Các yếu tố nền tảng quan trọng của doanh nghiệp (Phần 4)

139
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]

YẾU TỐ SỐ 3: CÁC CHỈ SỐ CƠ BẢN CỦA DOANH NGHIỆP

Các chỉ số cơ bản của doanh nghiệp bao gồm: EPS cơ bản, chỉ số P/E, Giá trị sổ sách, chỉ số P/B, Hệ số Beta, Khối lượng cổ phiếu đang niêm yết và đang lưu hành.

1. Chỉ số EPS cơ bản

EPS (Earning per share) = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cho cổ đông ưu đãi)/ Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ.

Chỉ số EPS cho biết phần lợi nhuận mà công ty làm ra phân bổ cho mỗi cổ phần thông thường đang được lưu hành trên thị trường. EPS được sử dụng như một chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp. EPS càng cao thì phản ánh năng lực kinh doanh của công ty càng mạnh, khả năng trả cổ tức càng cao và giá cổ phiêu sẽ có xu hướng tăng.

2. Chỉ số P/E

P/E = Giá thị trường/ EPS

Chỉ số P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập bao nhiêu. Chỉ số P/E quan trọng và khách quan hơn EPS khi định giá cổ phiếu để đầu tư dài hạn.

Trên quan điểm và kinh nghiệm thực tế thì P/E đứng một mình không nói lên được nhiều điều. P/E thấp không có nghĩa là cổ phiếu đang được thị trường định giá rẻ hoặc P/E cao thì cổ phiếu đang đắt. Nhiều người cho rằng P/E phản ánh kỳ vọng tương lại của nhà đầu tư đối với cổ phiếu. Điều này rất có lý. P/E thấp thể hiện nhà đầu tư bi quan với thời gian sắp tới của công ty, ngược lại, P/E cao thể hiện sự lạc quan của nhà đầu tư rằng công ty sẽ đạt lợi nhuận lớn trong thời gian tới đề đưa P/E về mức thấp hơn. Tương quan giữa P và P/E sẽ cho chúng ta cái nhìn khách quan hơn.

– P/E thấp và P thấp: Rất có thể cổ phiếu đang ở vùng trũng và các nhà đầu tư chưa để ý đến, dòng tiền lớn chưa tham gia. Các cổ phiếu này thường chưa có đột biến gì trong kết quả kinh doanh thời gian gần đây. Xét chu kỳ dài hạn, cổ phiếu có thể đang ở giai đoạn tạo nền tích lũy. Những cũng có thể ban lãnh đạo doanh nghiệp đang có vấn đề. Đạo đức ban lãnh đạo là vấn đề cần được xem xét kỹ ở những doanh nghiệp dạng này.

– P/E thấp và P cao: Giá cổ phiếu đang diễn biến tăng tốt với kết quả kinh doanh tốt (có thể là đột biến) của doanh nghiệp. Nhà đầu tư vẫn có sự thận trọng nhất định do nghi ngờ hiệu suất kinh doanh này không duy trì được lâu, có thể sẽ suy giảm ở quý/năm tiếp theo. Những cổ phiếu dạng này thường không phải là những cổ phiếu thị trường vốn hóa lớn mà hay nằm ở nhóm các cổ phiếu cơ bản tốt.

– P/E cao (hoặc âm) và P thấp: Lúc này nhà đầu tư giá trị nên xem xét giá trị sổ sách và BCTC doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp vàng nằm trong đống cát doanh nghiệp như thế này. Không ít những doanh nghiệp có tài sản ngầm (tiền mặt hoặc bất động sản đầu tư) lớn trong số các doanh nghiệp này.

– P/E cao (hoặc âm) và P cao: Đây là những cổ phiếu có thể đã không còn phù hợp với trường phái đầu tư giá trị. Vì giá đã phản ánh trước cả kỳ vọng tương lai (nếu có) nên việc mua cổ phiếu ở giai đoạn này và nắm giữ dài hạn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu bị thao túng giá nhằm xả hàng giá tốt cũng có các chỉ số dạng này.

3. Giá trị sổ sách

Đây là một tiêu chí để đánh giá chất lượng cổ phiếu. Giá trị sổ sách một doanh nghiệp hoạt động tốt cần phải lớn hơn mệnh giá của cổ phiếu đó và nó càng lớn càng tốt.

4. Chỉ số P/B

P/B = Giá thị trường/ Giá trị sổ sách của cổ phiếu

P/B là công cụ phân tích giúp các nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu có giá rẻ mà thị trường ít quan tâm. Chỉ số P/B chỉ thực sự hữu ích khi xem xét các công ty tài chính, hoặc công ty có giá trị tài sản tương đối lớn.

Khi lựa chọn cổ phiếu để đầu tư giá trị thì P/B là chỉ số cực kỳ quan trọng. P/B càng nhỏ, rủi ro càng ít, cơ hội tăng giá mạnh của cổ phiếu trong tương lai càng lớn.

5. Hệ số Beta

Một cổ phiếu có beta bằng 1, muốn ám chỉ rằng giá chứng khoán đó sẽ di chuyển cùng bước đi với thị trường. Một chứng khoán có beta nhỏ hơn 1 có nghĩa là cổ phiếu đó sẽ có mức thay đổi ít hơn mức thay đổi của thị trường. Và ngược lại, beta lớn hơn 1 sẽ chúng ra biết giá cổ phiếu sẽ thay đổi nhiều hơn mức dao động của thị trường.

Thông thường những cổ phiếu có tính đầu cơ, lướt sóng cao thì sẽ có Beta cao. Những cổ phiếu thuộc dạng đầu tư cơ bản sẽ có Beta thấp hơn 1.

6. Số lượng cổ phiếu đang niêm yết và đang lưu hành

Số lượng cổ phiếu đang niêm yết bao gồm những cổ phiếu đã được niêm yết để giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung.

Số lượng cổ phiếu đang lưu hành là số cổ phiếu đã phát hành, hiện đang lưu hành trên thị trường và do các cổ đông nắm giữ. Số cổ phiếu đang lưu hành được xác định như sau:

Số cổ phiếu đang lưu hành = Số cổ phiếu đã phát hành – Số cổ phiếu quỹ

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]