Tại sao nhà đầu tư không chịu cắt lỗ? Đâu là giải pháp?

623
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]

Rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường thường có khuynh hướng không cắt lỗ hoặc chỉ cắt lỗ khi lệnh đã thua lỗ rất nặng nề. Đây là một vấn đề tâm lý phổ biến khiến nhiều nhà giao dịch trở thành nhà đầu tư bất đắc dĩ. Nếu điều này xảy ra trên thị trường forex thì tất yếu xảy đến việc trader sẽ liên tục nhồi lệnh trung bình giá cho đến lúc tài khoản không thể chịu đựng được nữa. Việc thả rông lệnh, không có điểm dừng lỗ sớm hay muộn cũng sẽ dẫn tới việc “kiếm củi 3 năm, đốt 1 giờ”.

Tại sao nhà đầu tư/ trader không muốn cắt lỗ?

Vấn đề này dường như thuộc phạm trù tư duy. Có thể kể đến những nguyên nhân sâu xa khiến nhà đầu tư không cắt lỗ/ không đặt cắt lỗ tự động.

1. Không có bất cứ một kế hoạch đầu tư/giao dịch nào

Đây có lẽ là nguyên nhân then chốt nhất dẫn đến mọi sự tồi tệ trong quá trình đầu tư. Kế hoạch giao dịch sẽ thể hiện được tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, kiểm soát được cảm xúc (lòng tham, nỗi sợ hãi) và quan trọng là nó sẽ giúp họ quản trị rủi ro một cách bài bản. Nhiều nhà đầu tư/giao dịch thực hiện một cú enter ngay sau khi xuất hiện ý tưởng trong đầu, chưa hề chuẩn bị trước một kế hoạch giao dịch: điểm vào lệnh, điểm cắt lỗ, điểm chốt lời, kịch bản hành động…

Khi thị trường diễn biến không như kỳ vọng, kế hoạch không có thì những pha xử lý sau đó hoàn toàn diễn ra theo cảm xúc: Không chấp nhận mình đã sai, gồng lỗ và hy vọng.

2. Không chấp nhận mình sai

Giao dịch thì không thể nào tránh được những lệnh thua lỗ, đó là một phần của đầu tư, nhưng rất nhiều nhà đầu tư đặc biệt là những trader mới lại không thể chấp nhận điều này.

Tâm lý này luôn xuất hiện với tất cả mọi người, chỉ khi bạn hiểu được bản chất của đầu tư/ giao dịch vốn dĩ luôn mang tính xác xuất (lúc thắng, lúc thua) thì lúc đó mới có thể dần chấp nhận sự thật.

Khi bạn sai, bạn có thể chấp nhận thua lỗ lệnh đó là chuyện hết sức bình thường, nhưng nếu ngoan cố để khoản lỗ gia tăng thì điều đó thật thảm họa.

3. Tâm lý còn nước còn tát

Những người không dám cắt lỗ luôn sợ nhìn thấy tài khoản bị thâm hụt. Họ cho rằng chưa cắt lệnh nghĩa là mới chỉ lỗ trên sổ sách (lỗ trong tâm trí), cắt lệnh rồi thì sẽ mất tiền thực sự. Nếu đóng lệnh tức là khoản lỗ ấy đã hằn vết tích lên lịch sử giao dịch của bạn, và điều đó thật khó chấp nhận. Ngược lại, khi lệnh còn đang mở, tâm trí họ luôn hy vọng giá sẽ đảo chiều, ít nhất là hòa và sau đó là có lãi một chút, khi ấy cắt lệnh thì thật tuyệt.

Ôm suy nghĩ này sẽ khiến chúng ta gia tăng sự “hy vọng” của mình vào giá cho đến khi mọi việc không thể cứu vãn và bạn để mặc cho thị trường định đoạt tài khoản của mình. Đây cũng là lý do nhà đầu tư/giao dịch không đặt dừng lỗ bị chôn vốn, bị đào thải khỏi thị trường rất nhanh. Đối với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có thể kẹp vốn, thua lỗ nặng nề trong nhiều năm, còn với các trader forex, họ rất sớm làm cháy tài khoản của mình.

Đâu là giải pháp cho vấn đề tồi tệ này?

Wikidautu chia sẻ hai giải pháp để các nhà đầu tư/giao dịch quản lý vốn đầu tư của mình một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn:

1. Luôn có kế hoạch cho mỗi thương vụ đầu tư, mỗi lệnh giao dịch

Lập kế hoạch và thực hiện theo kế hoạch đó sẽ giúp nhà đầu tư luôn cảm thấy dễ chịu đến nhàm chán và hơn hết là tài khoản của bạn luôn được an toàn. Kế hoạch phải được ghi rõ trong nhật ký đầu tư/giao dịch. Mỗi lệnh/thương vụ đều có điểm dừng lỗ, chốt lời và các kịch bản có thể xảy ra theo chiều lên và xuống một cách rõ ràng. Điểm dừng lỗ luôn phải đảm bảo tiêu chí Reward/Risk >1 để tránh việc bạn chỉ đặt dừng lỗ cho có lệ.

2. Phải thừa nhận sự thật: đầu tư/giao dịch là cuộc chơi của xác suất

Đừng bảo thủ hay ảo tưởng rằng bạn có thể bách chiến bách thắng trên thị trường. Không ai làm được điều đó cả! Thắng hay thua luôn có xác suất, đừng kỳ vọng một history chỉ có lệnh thắng hoặc hầu như chỉ có lệnh thắng. Nếu bạn nghĩ chỉ lệnh thắng mới đóng còn lệnh thua sẽ cố giữ cho đến khi có lãi thì sớm muộn gì bạn cũng nhận kết cục tồi tệ.

Hãy luôn ghi nhớ câu nói của George Soros: “Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai” để hiểu ra sự thực: đúng hay sai trong ý tưởng giao dịch không quan trọng bằng việc bạn sẽ mất bao nhiêu và được bao nhiêu.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]