8 hiệu ứng tâm lý và thiên kiến có thể hủy hoại tài khoản nhà đầu tư

1423
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]

1. Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias)

Thiên kiến xác nhận là khi bạn có xu hướng chỉ tìm kiếm, nghiên cứu, ghi nhớ những thông tin có thể củng cố cho niềm tin vốn có của mình. Sự xác nhận thiên vị này thường là kết quả của những hành vi vô thức và không có chủ đích. Đây là dạng thiên kiến phổ biến trong cuộc sống cũng như trong đầu tư tài chính.

Trong đầu tư tài chính, thiên kiến xác nhận thể hiện qua việc bạn cố tìm cách chứng minh một điều gì đó là đúng và chỉ chăm chăm đi tìm những bằng chứng để ủng hộ cho giả thuyết hoặc suy nghĩ đó.

Ví dụ 1: Bạn cho rằng cổ phiếu DBC sắp tới sẽ phân phối đỉnh để bước vào downtrend. Bạn sẽ có xu hướng đọc thật nhiều tài liệu, tin tức tiêu cực hoặc tìm những điểm tiêu cực nhất trên đồ thị kỹ thuật DBC để củng cố quan điểm DBC sắp tới sẽ điều chỉnh mạnh. Bạn phớt lờ các quan điểm tích cực và các thông tin tốt về DBC.

Ví dụ 2: Một lần bạn đọc BCTC và một số bài báo nói về vấn đề tài chính (vay nợ) của cổ phiếu HPG và bạn cho rằng HPG rất rủi ro cho đầu tư. Từ đó bạn luôn có thành kiến với tình hình tài chính của cổ phiếu HPG, tìm các tin tức tiêu cực về HPG để chứng minh với mọi người rằng HPG không hấp dẫn cho đầu tư, đồng thời phớt lờ hết mọi tin tức về các dự án, sản phẩm có thể tạo lợi nhuận lớn cho HPG trong tương lai. Sau 6 tháng HPG đã tăng giá gấp đôi kể từ lúc bạn có thiên kiến xác nhận với HPG.

2. Hiệu ứng mỏ neo (Anchoring)

Hiệu ứng mỏ neo là một dạng nhận thức sai lệch khiến mọi người tập trung vào phần thông tin có sẵn trong đầu (mỏ neo).

Ví dụ: Các nhà đầu tư mới luôn bám chặt một tư duy rằng cổ phiếu nào xuống mãi rồi cũng sẽ lên, cầm lâu kiểu gì cũng có lãi nên chưa cắt lỗ là chưa thua, cứ cầm lâu sẽ thắng. Đây là một trong những thiên kiến phổ biến nhất, rất nguy hiểm và luôn tồn tại trong tư duy các nhà đầu tư mới.

3. Hiệu ứng Dunning-Kruger

Hiệu ứng tâm lý Dunning-Kruger là khi bạn tự đánh giá cao khả năng của bản thân hơn khả năng thật sự. Được công bố bởi hai nhà tâm lý học xã hội Dunning và Kruger vào năm 1999.

Hiệu ứng này được giải thích là do những người có khả năng thấp thường có những ảo tưởng về bản thân và nhận thức về bản thân thấp.

Các nghiên cứu còn cho rằng những người có khả năng thấp thường đánh giá rất cao khả năng của bản thân, cũng như thất bại trong việc tự phát hiện ra điểm mạnh và điểm yếu.

Ví dụ điển hình nhất là quỹ đầu tư Long term Capital Management. Nhân viên của quỹ có bằng tiến sĩ và hai người đạt giải Nobel, quỹ tan vỡ vào năm 1998. Đằng sau sự thất bại của nó là sự quá tự tin vào bằng cấp. Roger Lowenstein đã viết trong cuốn sách “Khi thiên tài thất bại” rằng: “Những thiên tài trẻ từ các học viện và đại học tin rằng họ không thể mắc sai lầm”.

4. Thiên kiến từ những tác động đầu tiên và tác động gần đây (Primacy and Recency bias)

Khi được yêu cầu ghi nhớ một danh sách từ, những từ đầu tiên (Primacy effect) và những từ cuối cùng/gần nhất (Recency effect) của danh sách sẽ được ghi nhớ tốt hơn những từ ở giữa. Những từ nằm ở đầu danh sách được nhớ tốt hơn vì tần suất chúng ta lặp lại chúng sẽ nhiều hơn so với những từ khác. Những từ cuối cùng được nhớ tốt hơn vì vừa mới được cập nhật vào bộ nhớ nên sẽ được dễ dàng thuật lại ngay sau đó.

Hai hiệu ứng này dẫn đến vấn đề ghi nhớ không toàn diện. Một khi đã ghi nhớ và có ấn tượng với những thông tin đầu tiên và cuối cùng, chúng ta dễ dàng bỏ qua những thông tin ở giữa. Vì thế thông tin thu nạp vào có thể bị thiếu sót và không mang tính toàn diện

Ví dụ: Chỉ số chứng khoán VNindex liên tục tăng trong nhiều tháng gần đây đồng nghĩa với việc gần đây bạn liên tục được chốt lời hoặc đang tiếp tục gồng lãi. Nhận thức này khiến bạn cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và tiếp tục nạp thêm tiền để mua thêm cổ phiếu.

Hoặc khi đại dịch covid mới bắt đầu bùng phát, TTCK lao dốc mạnh và bạn lo sợ rằng nó sẽ tiếp tục là một mớ hỗn độn cho đến khi có vacxin. Bạn đã bán tháo cổ phiếu khi giá đã giảm rất nhiều. Phụ thuộc quá nhiều vào những thông tin gần đây có thể “giết chết” bạn với những quyết định đầu tư sai lầm.

5. Hiệu ứng “Phản ứng ngược” (Backfiring effect)

Hiệu ứng tâm lý này xảy ra khi có ai đó đưa ra những thông tin để phản bác quan điểm của bạn. Thay vì xem xét lại nhận định của mình thì sự tin tưởng của bạn dành cho nhận định đó lại tăng lên mạnh mẽ hơn.

Ví dụ: Cổ phiếu MWG liên tục vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ các cổ đông và truyền thông về các đợt Esop cổ phiếu của công ty. Thay vì thay đổi hoặc hủy bỏ chính sách này, ban lãnh đạo lại càng kiên định bảo vệ chính sách của mình hơn.

6. Hiệu ứng hào quang và hiệu ứng sừng (Halo effect và horn effect)

Hiệu ứng hào quang là một xu hướng nhận thức về những ấn tượng tích cực của một người, công ty, thương hiệu hoặc sản phẩm trong một lĩnh vực, có ảnh hưởng tích cực đến ý kiến hoặc cảm xúc của một người. Trái ngược với đó là hiệu ứng sừng.

Ví dụ: Bạn luôn có ấn tượng rằng Vietnamairlines là thương hiệu nổi tiếng quốc gia, hãng hàng không quốc gia số 1 tại Việt Nam. Từ đó bạn cho rằng cổ phiếu của hãng này (HVN) luôn tuyệt vời để đầu tư bất chấp các khó khăn trong hiện tại của HVN.

Nhiều người cũng cho rằng các cổ phiếu giá trà đá, móc cống là những cổ phiếu vứt đi, không đáng để mua và không bao giờ mua chúng. Tuy nhiên, TTCK chứng kiến rất nhiều cổ phiếu hồi sinh đi lên từ giá trà đá và đã tăng lên gấp nhiều lần, điều mà các cổ phiếu thị giá cao cần rất nhiều thời gian để làm được.

7. Ảo tưởng về khả năng điều khiển (Illusion of Control)

Ảo tưởng về khả năng điều khiển là khuynh hướng một người tin rằng họ có thể điều khiển hoặc ít nhất chi phối đến kết quả – những thứ thực ra không chịu ảnh hưởng gì từ họ.

Ví dụ: Nhiều nhà đầu tư nhận thấy rằng mình có một khả năng “tâm linh” đặc biệt là cứ cầm một cổ phiếu nào đó mãi không tăng nhưng cứ bán xong thì giá lại tăng. Tuy nhiên, thực tế đó chỉ là một câu chuyện thường thấy của xác suất trong đầu tư chứ không hề có khả năng đặc biệt nào ở đây cả..

8. Hiệu ứng “Biết ngay mà!” (Hindsight Bias)

Khi giá cố phiếu ABC về đến vùng hỗ trợ mà bạn tin rằng nó sẽ bật tăng mạnh trở lại, thực tế sau đó ABC đã đảo chiều tăng mạnh tại vùng giá đó như suy đoán của bạn. Bạn cho rằng mình thật tài giỏi, đã biết trước điều này trước khi nó xảy ra
Đây được gọi là hiệu ứng “Biết ngay mà”, “đã bảo rồi mà” (Hindsight Bias). Chúng ta thốt ra như một hành vi tự vệ, nghĩa là nếu không làm như vậy thì chúng ta phải thừa nhận là chúng ta đã sai, chúng ta kém cõi và phải đối mặt với sự chỉ trích của khách hàng hoặc nỗi buồn nội tâm.

Wikidautu.com

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]