Các chỉ số tài chính doanh nghiệp quan trọng

1819
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]

Các chỉ số tài chính của doanh nghiệp được phân vào 6 nhóm cơ bản, phục vụ đắc lực trong việc đánh giá tình hình tài chính cũng như hiệu quả hoạt đông, khả năng sinh lời của doanh nghiệp khi phân tích cơ bản. 6 nhóm chỉ số tài chính bao gồm:

1. Nhóm chỉ số về khả năng thanh toán

1.1. Hệ số khả năng thanh toán hiện hành (hệ số thanh toán ngắn hạn – Current ratio)

H1  = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

– Ý nghĩa: Cho biết khả năng của một công ty trong việc dùng các tài sản ngắn hạn như tiền mặt, hàng tồn kho hay các khoản phải thu để chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn của mình.

H1  < 1, thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp là yếu, là dấu hiệu báo hiệu khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà công ty có thể gặp phải. Công ty có thể đang dùng các khoản vay ngắn hạn để tài trợ cho các tài sản dài hạn, dẫn đến vốn lưu động ròng âm.

H1 > 1, công ty đang an toàn về tài chính. Hệ số càng lớn, tài chính công ty càng lành mạnh.

1.2. Hệ số khả năng thanh toán nhanh (Quick ratio)

H2 = (Tổng tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Tổng nợ ngắn hạn

– Ý nghĩa: cho biết liệu công ty có đủ các tài sản ngắn hạn để trả cho các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho hay không. Tỷ số này phản ánh chính xác hơn tỷ số thanh toán hiện hành.

H2 < 1, công ty gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ

H2 > 1, công ty có tài chính lành mạnh

1.3. Hệ số khả năng thanh toán tức thì (hệ số thanh toán tiền mặt – Cash Ratio)

H3 = Tiền và các khoản tương đương tiền / Nợ ngắn hạn

– Ý nghĩa: Đánh giá khả năng sẵn sàng thanh toán nợ tức thì của ông ty

1.4. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay

H4 = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Lãi vay

– Ý nghĩa: Cho biết một công ty có khả năng đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ lãi của nó đến mức nào. Hệ số thu nhập trả lãi định kỳ càng cao thì khả năng thanh toán lãi của công ty cho các chủ nợ của mình càng lớn. Tỷ lệ trả lãi thấp cho thấy một tình trạng nguy hiểm, suy giảm trong hoạt động kinh tế có thể làm giảm EBIT xuống dưới mức nợ lãi mà công ty phải trả, do đó dẫn tới mất khả năng thanh toán và vỡ nợ.

2. Nhóm chỉ số cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản

2.1 Hệ số nợ

H5 = Tổng nợ/tổng tài sản

– Ý nghĩa: cho biết có bao nhiêu phần trăm tài sản của doanh nghiệp là từ đi vay. Qua đây biết được khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp. Tỷ số này mà quá nhỏ, chứng tỏ doanh nghiệp vay ít. Điều này có thể hàm ý doanh nghiệp có khả năng tự chủ tài chính cao. Song nó cũng có thể hàm ý là doanh nghiệp chưa biết khai thác đòn bẩy tài chính, tức là chưa biết cách huy động vốn bằng hình thức đi vay. Ngược lại, tỷ số này mà cao quá hàm ý doanh nghiệp không có thực lực tài chính mà chủ yếu đi vay để có vốn kinh doanh. Điều này cũng hàm ý là mức độ rủi ro của doanh nghiệp cao hơn.

Khi dùng tỷ số này để đánh giá cần so sánh tỷ số của một doanh nghiệp cá biệt nào đó với tỷ số bình quân của toàn ngành.

2.2. Hệ số tự tài trợ

H6 = Vốn chủ sở hữu / tổng tài sản

– Ý nghĩa: Phản ánh tỷ trọng nguồn vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của doanh nghiệp. Để xác định mức độ phù hợp về tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong trong nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hoạt động và chính sách của từng doanh nghiệp cũng như từng ngành. Tỷ số này cao chứng tỏ khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp, nhưng cũng cho thấy doanh nghiệp chưa tận dụng đòn bẩy tài chính nhiều.

2.3. Hệ số đòn bẩy tài chính

H7 = Tổng tài sản bình quân / Vốn chủ sở hữu bình quân

– Ý nghĩa: thể hiện mối quan hệ giữa nguồn vốn vay và vốn chủ sở hữu, cho biết khả năng tự chủ về tài chính của công ty. Hệ số này thấp chứng tỏ công ty chưa biết tận dụng được nhiều lợi thế đòn bẩy tài chính, nhưng cũng có thể tài chính công ty quá lành mạnh. Hệ số này cũng cho phép đánh giá tác động tích cực hoặc tiêu cực của việc vay vốn đến chỉ số ROE.

2.4. Hệ số tự tài trợ tài sản cố định

H8 = Vốn chủ sở hữu/ Tài sản cố định

– Ý nghĩa: cho biết số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dùng để trang bị TSCĐ và đầu tư dài hạn là bao nhiêu. Tỷ suất này nếu >1 thì chứng tỏ khả năng tài chính vững vàng, lành mạnh. Khi tỷ suất < 1 thì một bộ phận của TSCĐ được tài trợ bằng vốn vay, và đặc biệt mạo hiểm khi đó là vốn vay ngắn hạn.

Hệ số này tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề kinh doanh mà có thể cao hoặc thấp. Những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện luôn phải đầu tư tài sản cố định lớn.

3. Nhóm chỉ số về hiệu suất hoạt động

3.1. Vòng quay tổng tài sản

H9 = Doanh thu thuần / Tổng tài sản bình quân

– Ý nghĩa: Thông qua hệ số này chúng ta có thể biết được với mỗi một đồng tài sản có bao nhiêu đồng doanh thu được tạo ra.

Hệ số vòng quay tổng tài sản càng cao đồng nghĩa với việc sử dụng tài sản của công ty vào các hoạt động sản xuất kinh doanh càng hiệu quả.

3.2. Vòng quay tài sản cố định

H10 = Doanh thu thuần/ Tài sản cố định bình quân

– Ý nghĩa: đánh giá hiệu quả sử dụng Tài sản cố định(TSCĐ) của doanh nghiệp, cho thấy 1 đồng TSCĐ tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu.

Chỉ số này càng cao cho thấy hiệu quả sử dụng TSCĐ của doanh nghiệp càng cao và ngược lại.

3.3. Vòng quay vốn lưu đông

H11 = Doanh thu thuần/Vốn lưu động bình quân

Trong đó: Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn

– Ý nghĩa: Thể hiện thời gian hoàn thành một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Số vòng quay càng lớn thì càng chứng tỏ doanh nghiệp có khả năng sử dụng tốt vốn lưu động hiệu quả.

Vòng quay vốn lưu động của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại thường cao hơn vòng quay vốn lưu động của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất cơ bản.

3.4. Vòng quay hàng tồn kho

H12 = Giá vốn hàng bán/ Hàng tồn kho bình quân

– Ý nghĩa: thể hiện số lần mà hàng hóa tồn kho bình quân luân chuyển trong kỳ. Hệ số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều.

3.5. Vòng quay các khoản phải thu

H13 = Doanh thu bán hàng / Các khoản phải thu bình quân

– Ý nghĩa: phản ánh khả năng quản lý các khoản công nợ phải thu của công ty và khả năng thu hồi vốn trên các khoản công nợ đó. Hệ số này lớn cho thấy khả năng thu hồi công nợ từ các khách hàng là tốt, cho thấy công ty có những đối tác làm ăn chất lượng, có khả năng trả nợ nhanh chóng. Hệ số này thấp cho thấy khả năng thu hồi tiền từ khách hàng khá kém, chính sách bán hàng lỏng lẻo, hoặc đối tác của công ty đang gặp khó khăn về tài chính.

4. Nhóm chỉ số về hiệu quả hoạt động, khả năng sinh lời

4.1. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (Lợi nhuận biên từ hoạt động kinh doanh – ROS)

ROS = Lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần

– Ý nghĩa: cho biết một đồng doanh thu thuần từ bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tỷ suất này càng cao thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp càng cao. Biên sẽ đóng vai trò một vùng đệm giữa doanh thu và chi phí. Về lý thuyết, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao có thể tồn tại vững vàng trong bối cảnh chi phí leo thang. Ngược lại, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp chỉ có thể tăng lợi nhuận bằng cách đẩy mạnh doanh thu. Khi gặp đợt gia tăng chi phí, những doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn.

4.2. Tỷ suất lợ nhuận sau thuế trên tổng tài sản (tỷ suất sinh lời của tài sản – ROA – Return on total assets)

ROA = Lợi nhuận sau thuế / tổng tài sản bình quân

– Ý nghĩa: Chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà không quan tâm đến cấu trúc tài chính. Chỉ số này cho biết công ty tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận từ một đồng tài sản.

4.3. Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE – Return on common equyty)

ROE = Lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu bình quân

– Ý nghĩa: Cho biết cứ 1 đồng vốn chủ sở thì tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ số này phụ thuộc vào quy mô của công ty. Để so sánh chính xác, cần so sánh tỷ số này của một công ty với tỷ số bình quân của toàn ngành, hoặc với tỷ số của công ty tương đương trong cùng ngành. Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là công ty đã cân đối một cách hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trong quá trình huy động vốn, mở rộng quy mô. Cho nên hệ số ROE càng cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.

4.4. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu thường (EPS)

EPS (Earning per share) = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cho cổ đông ưu đãi)/ Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân

– Ý nghĩa: cho biết phần lợi nhuận mà công ty làm ra phân bổ cho mỗi cổ phần thông thường đang được lưu hành trên thị trường. EPS được sử dụng như một chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp. EPS càng cao thì phản ánh năng lực kinh doanh của công ty càng mạnh, khả năng trả cổ tức càng cao và giá cổ phiêu sẽ có xu hướng tăng.

Trong việc tính toán EPS, sẽ chính xác hơn nếu sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ để tính toán vì lượng cổ phiếu thường xuyên thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên trên thực tế người ta thường hay đơn giản hoá việc tính toán bằng cách sử dụng số cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm cuối kỳ. Có thể làm giảm EPS dựa trên công thức cũ bằng cách tính thêm cả các cổ phiếu chuyển đổi, các bảo chứng (warrant) vào lượng cổ phiếu đang lưu thông, lúc này kết quả EPS sẽ được gọi là “EPS pha loãng”.

Chỉ số EPS bao gồm 2 loại : EPS cơ bản (Basic EPS) và EPS pha loãng (Diluted EPS)

5. Nhóm chỉ số đành giá dòng tiền

5.1. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên doanh thu thuần

H14 = Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh / Doanh thu thuận

– Ý nghĩa: Đánh giá khả năng thu tiền mặt từ doanh thu tạo ra

5.2. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên vốn chủ sở hữu

H15 = Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh / Vốn chủ sở hữu

– Ý nghĩa: Đánh giá khả năng thu tiền mặt từ vốn chủ sở hữu

6. Nhóm chỉ số giá thị trường

6.1. Chỉ số giá trên thu nhập (P/E – PRICE/EPS – GIÁ HIỆN TẠI/EPS)

P/E = Giá thị trường/ EPS

– Ý nghĩa: cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập bao nhiêu.

6.2. Giá trị sổ sách (Book value)

BV = Tổng tài sản – TSCĐ vô hình – Nợ

– Ý nghĩa: Cho biết giá trị thực tế mỗi cổ phiếu của công ty trên sổ sách

6.3. Hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/B)

P/B = Giá thị trường/ Giá trị sổ sách của cổ phiếu

– Ý nghĩa: So sánh giá cổ phiếu với giá trị ghi sổ của nó. P/B là công cụ phân tích giúp các nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu có giá rẻ mà thị trường ít quan tâm. Chỉ số P/B chỉ thực sự hữu ích khi xem xét các công ty tài chính, hoặc công ty có giá trị tài sản tương đối lớn.

6.4. Hệ số Beta

Beta = Covar(Ri,Rm)/Var(Rm)Trong đó:

  • Ri : Tỷ suất sinh lời của chứng khoán.
  • Rm: Tỷ suất sinh lời của thị trường (ở đây là VN-Index).
  • Var(Rm): Phương sai của tỷ suất sinh lời của thị trường.
  • Covar(Ri,Rm): Hiệp phương sai của tỷ suất sinh lời của chứng khoán và tỷ suất sinh lời của thị trường.

Tỷ suất sinh lời được tính như sau:

R = (p1-p0)/p0 Trong đó:

  • P1: giá đóng cửa điều chỉnh phiên đang xét.
  • P0: giá đóng cửa điều chỉnh phiên trước đó.

Hệ số beta của 1 chứng khoán trên cafef.vn được tính dựa trên dữ liệu giao dịch 100 phiên liên tiếp gần thời điểm hiện tại nhất của chứng khoán đó.

– Ý nghĩa: Đo lường mức độ biến động hay còn gọi là thước đo rủi ro hệ thống của một chứng khoán hay một danh mục đầu tư trong tương quan với toàn bộ thị trường. Hệ số beta là một tham số quan trọng trong mô hình định giá tài sản vốn (CAPM). Beta được tính toán dựa trên phân tích hồi quy, và bạn có thể nghĩ về beta giống như khuynh hướng và mức độ phản ứng của chứng khoán đối với sự biến động của thị trường.

Một chứng khoán có: beta = 1: giá chứng khoán đó sẽ di chuyển cùng bước đi với thị trường: beta <1: giá chứng khoán đó sẽ có mức thay đổi ít hơn mức thay đổi của thị trường; beta > 1: giá chứng khoán sẽ thay đổi nhiều hơn mức dao động của thị trường.

Nhiều cổ phiếu thuộc các ngành cung cấp dịch vụ công ích có beta nhỏ hơn 1. Ngược lại, hầu hết các cổ phiếu dựa trên kỹ thuật công nghệ cao có beta lớn hơn 1, thể hiện khả năng tạo được một tỷ suất sinh lợi cao hơn, những cũng đồng thời tiềm ẩn rủi ro cao hơn.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]