7 sai lầm tạo nên lớp nhà đầu tư thất bại trên thị trường

2372
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 6 | Tổng điểm: 4.8]

Ảnh minh họa

Như chúng ta đã biết, hầu hết các nhà đầu tư, nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán/forex đều thua lỗ, chỉ 5-10% là có thể kiếm tiền được từ thị trường. Mấu chốt sâu xa của vấn đề nằm ở kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, tố chất, phương pháp của các nhà đầu tư/giao dịch. Họ (những người thất bại) thường lặp đi lặp lại những sai lầm nghiêm trọng trong phương pháp của mình. Trong bài viết này, Wikidautu chia sẻ các sai lầm phổ biến nhất của các nhà đầu tư/giao dịch thất bại.

1. Họ không đủ kiên trì

Hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán sẽ bị đánh bật khỏi thị trường trong vòng 2 năm đầu. Họ chủ yếu là các F0 hoặc các nhà đầu tư theo phong trào. Không kỹ năng, không kiến thức, không kinh nghiệm nhưng họ lại là những người tham lam và kỳ vọng kiếm được nhiều tiền nhất từ thị trường. Mơ mộng, thiếu thực tế, họ lại là những người rất nhanh chán nản, thiếu kiên trì, lớp nhà đầu tư này nhanh chóng bị đào thải khỏi thị trường.

Để tồn tại rồi tiến tới kiếm tiền bền vững trên thị trường thì bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải trải qua một thời gian dài học hỏi, thua lỗ, đúc rút kinh nghiệm, thử thách lòng kiên nhẫn. Giai đoạn này có thể kéo dài tới 3-5 năm liên tục, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thích sự chờ đợi, không chấp nhận được những khoản thua lỗ. Họ thích “chơi chứng khoán” là phải có lời liên tục.

Kiên nhẫn là đức tính tốt nhất để làm tiền đề cho việc trở thành một nhà giao dịch có kỷ luật. Chúng ta được hiểu về sự kiên nhẫn từ khi còn là một đứa trẻ. Chúng ta cần kiên trì 12 năm đèn sách đến trường, thêm 4 năm để tốt nghiệp đại học. Khi chúng ta không mang tư duy đầu tư chứng khoán là một nghề (gắn bó trọn đời) thì 2 năm không kiếm được lợi nhuận nó dài đằng đẵng như 2 thế kỷ. Hầu hết chúng ta sẽ bỏ cuộc để gia nhập lớp nhà đầu tư thất bại. Tất cả chúng ta đều đã hiểu tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, nhưng lại không thể làm được vì kỳ vọng quá sức ở thị trường. Nhưng, thật không may, thị trường không ném tiền vào túi bạn nhanh như bạn mơ ước.

Thị trường là cuộc chơi mà tiền sẽ chảy từ túi người thiếu kiên nhẫn sang người kiên nhẫn. Người thành công luôn là những người kiên nhẫn hơn hẳn phần còn lại của thị trường.

2. Họ giao dịch/đầu tư với một số vốn nhỏ

Rất nhiều nhà giao dịch/đầu tư bước vào thị trường với ý niệm “chơi thử” bằng một số vốn rất nhỏ. Trớ trêu thay, vì là “chơi thử” nên họ coi cái số vốn nhỏ ấy chẳng ra gì (thua lỗ, cháy sạch cũng chẳng hề hấn gì). Vì thiếu tôn trọng số vốn nhỏ đó nên họ có khuynh hướng cờ bạc, giao dịch không phương pháp, không kỷ luật. Vậy nên, không có kinh nghiệm, kiến thức, trải nghiệm nào bổ ích được đúc rút cả; không có phương pháp, hệ thống giao dịch chuyên nghiệp, bài bản nào được ra đời cả; không có kế hoạch giao dịch nào được viết trên nhật ký cả. Và vì vậy, không có bất cứ cơ hội nào cho họ tận hưởng chiến thắng lâu dài từ một tài khoản nhỏ, thậm chí họ còn chưa kịp một lần “chơi lớn” vì các tài khoản mini cứ thua lỗ hoài.

Nói cách khác, số vốn thể hiện tâm huyết và sự nghiêm túc của bạn với công việc đầu tư. Nếu số vốn đủ lớn thì bạn đã không phải ôm cái tư duy “chơi thử” hay “liều ăn nhiều” hay là giao dịch vô tội vạ vào thị trường. Đó cũng là lý do tại sao những nhà đầu tư thất bại hầu hết đều là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

3. Họ giao dịch quá nhiều

Tại sao các nhà đầu tư thích lướt sóng, trading ngắn?

Có nên lướt sóng chứng khoán?

Đây là sai lầm phổ biến nhất khiến trader thất bại.

Việc giao dịch quá mức (over-trading) xuất phát từ việc nhà đầu tư chưa định hình cho mình được một chiến lược, phương pháp đầu tư thực sự hiệu quả. Over-trading hình thành từ bản năng vốn có của nhà đầu tư mới: háo thắng, thích nhìn tiền trong tài khoản nhảy múa liên tục và không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào trên thị trường. Over-trading làm phóng đại chi phí giao dịch, khiến họ có xu hướng giao dịch theo cảm xúc, vô kỷ luật và giảm hiệu quả đầu tư đi rất nhiều. Chi phí giao dịch sẽ chiếm một phần lớn trong lợi nhuận/thua lỗ của họ – điều mà hầu hết các nhà môi giới đang khuyến khích họ làm.

Phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay có khuynh hướng lướt sóng ngắn liên tục, còn các forex trader thì có khuynh hướng Scalping. Cả hai phương pháp này đều là over-trading, bào mòn tài khoản bằng chi phí giao dịch, hao tổn sức khỏe, tinh thần và là cách nhanh nhất để họ tự đánh bật mình khỏi thị trường.

4. Họ quản trị rủi ro rất tệ

Quản trị rủi ro cho các lệnh hay nói cách khác là lên kế hoạch cho điểm vào, điểm dừng lỗ và điểm chốt lời cùng một tỷ lệ reward/risk tốt là điều làm nên sự thành công trong đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các trader thất bại rất sợ đặt stoploss cho lệnh của mình. Nếu bạn không biết khả năng chịu rủi ro của mình cho mỗi giao dịch, bạn sẽ không bao giờ kiếm được tiền lâu dài. Hơn nữa, ngay cả khi bạn biết rõ số tiền bạn sẵn sàng mạo hiểm nhưng bạn không chặt chẽ theo sát nó trên mọi giao dịch thực hiện, bạn cũng sẽ không kiếm được tiền.

Tỷ lệ reward/risk cho mội cơ hội cũng là điều then chốt trong quản trị rủi ro. Nhiều nhà đầu cơ lướt sóng bị hiệu ứng tâm lý FOMO (mua/bán đuổi) có thể chấp nhận hy sinh một khoản lỗ tiềm năng rất lớn chỉ để ăn một phần rất nhỏ từ sự hy sinh này. Thường thì hậu quả theo sau các lệnh này là sự gồng lỗ. Khi điều này thành thói quen, tài khoản của họ bị bốc hơi rất nhanh.

5. Họ giao dịch theo tin tức, tin đồn

Sai lầm về nhận thức lớn nhất đối với các nhà giao dịch đó là họ cho rằng tin tức là thứ được phân phát một cách công bằng tới tất cả các nhà giao dịch trên thị trường. Nhưng thực tế thì những gì được công bố trên truyền thông là thứ “đồ ăn thừa” của các quỹ đầu tư, tổ chức, bigboys dành cho các nhà giao dịch nhỏ lẻ. Khi một nhà đầu tư nhỏ lẻ biết được tin tức đó thì giá đã chạy trước tin nhiều rồi, dẫn tới giá có thể chạy ngược hoàn toàn với tin tức vừa được công bố. Điều này dẫn đến một điều quen thuộc trên thị trường: “mua tin đồn, bán sự thật” hoặc” Tin tốt ra là bán, tin xấu ra là mua”.

Giao dịch theo tin tức, tin đồn là điều thường xuyên thấy ở các nhà đầu tư non kinh nghiệm. Họ dễ vướng vào những cú mua đỉnh bán đáy mà không hiểu nổi tại sao. Một doanh nghiệp vừa ra báo cáo tài chính quý 3 lãi lớn, tăng trưởng tốt nhưng cổ phiếu lại chỉ tăng nhẹ sau đó điều chỉnh mạnh. Lý do đơn giản là vì cổ phiếu đó đã tăng suốt cả quý 3 rồi, nó thậm chí đã phản ánh cả kết quả kinh doanh của quý 4 vào giá rồi.

6. Họ tham khảo quá nhiều thông tin và ý kiến

Không có chính kiến, lập trường đầu tư là sai lầm thường thấy trên thị trường.

Tham khảo quá nhiều ý kiến từ người khác (thậm chí từ các chuyên gia), tham gia vào nhiều room tư vấn chiến lược, quá nhiều diễn đàn hoặc trang web, v.v., tưởng là nhiều kiến thức, tin tức nhưng hóa ra gây tác dụng ngược cho phương pháp giao dịch của bạn. Giao dịch theo sự mách bảo của người khác không bao giờ giúp bạn tiến bộ được.

7. Họ giao dịch không kỷ luật

Làm thế nào bạn có thể thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào mà thiếu đi kỷ luật? Các nhà giao dịch thất bại đều không giữ được kỷ luật trong suốt quá trình đầu tư của mình. Họ thiếu đi một nhật ký giao dịch, một kế hoạch giao dịch cho mỗi lệnh mình đẩy vào thị trường.

Wikidautu.com

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 6 | Tổng điểm: 4.8]