Chọn phương pháp đầu tư chứng khoán/forex hiệu quả

130
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 1 | Tổng điểm: 5]

Phương pháp (hay chiến lược đầu tư) là một phần không thể thiếu trong bộ 3M quyền lực: Mindset – Money management – Method. Để chọn ra được một phương pháp tốt, bạn cần rất nhiều thời gian rèn luyện và thử nghiệm mức độ phù hợp với bản thân sau đó mới xét đến tính hiệu quả của nó. Quá trình này có thể kéo dài hàng năm trời với hàng ngàn giờ tôi luyện.

Nhiều nhà đầu tư có thói quen học vẹt, học mót, sao chép phương pháp của các nhà đầu tư khác. Chưa xét đến tính hiệu quả của phương pháp sao chép từ người khác này, ngay cả việc nó có phù hợp với bản thân hay không đã là mối nghi ngờ lớn. Thường thì kết quả họ áp dụng sẽ không được như ý muốn. Bản chất phương pháp/ chiến lược đó chưa chắc đã tệ nhưng có thể: quan trọng nhất là nó không phù hợp với bạn.

Trước khi xây dựng một phương pháp đầu tư có tính khả thi, hiệu quả nào đó, cần phải xét đến nhiều yếu tố mang tính cá nhân. Bởi vì đầu tư là công việc mang tính cá nhân chứ không phải của tập thể.

Sau đây là 1 số tiêu chí để bạn có thể chọn phương pháp phù hợp nhất cho bản thân.

1. Quỹ tài chính của bạn

– Nếu bạn chỉ có một mức vốn eo hẹp, khiêm tốn, thường thì bạn sẽ có khuynh hướng tìm đến một phương pháp có mức sinh lời cao để nhanh giàu có: tối đa hóa đòn bẩy tài chính. Điều này thực sự là cách thị trường đào thải bạn nhanh nhất. Mức vốn ít đồng nghĩa với việc bạn là nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm đầu tư, kiến thức chuyên môn chưa nhiều, lại lạm dụng đòn bẩy tài chính (margin) khiến tài khoản của bạn ra đi rất nhanh. Đòn bẩy tài chính là con dao 2 lưỡi với tất cả mọi người, trong đó người mới hoàn toàn nắm dao đằng lưỡi.

Cách tốt nhất để bạn thoát ra khỏi rắc rối này là nhập cuộc với tinh thần học hỏi: mất càng ít tiền càng tốt, trụ lại ở thị trường càng lâu càng tốt, đừng kỳ vọng nhiều sẽ kiếm được tiền từ thị trường. Phương pháp các bạn có thể lựa chọn: Mua/bán theo phân tích kỹ thuật (PTKT) hoặc phân tích cơ bản (chỉ áp dụng với chứng khoán) trên tinh thần học hỏi và trải nghiệm là chính.

– Nếu nhà đầu tư có vốn lớn, hẳn họ sẽ thận trọng và dễ hài lòng hơn với các mực lợi nhuận khiêm tốn, nhưng hợp lý (20-30%/năm chẳng hạn). Với lượng vốn lớn, họ không việc gì phải vội vàng cả, số lượng giao dịch vì thế cũng sẽ ít đi và yêu cầu cao về tính hiệu quả của các lệnh hơn. Thông thường, những nhà đầu tư vốn lớn sẽ thiên về đầu tư, nắm giữ lâu dài hơn, hạn chế việc trading hàng ngày. PTKT, PTCB, đầu tư giá trị đều phù hợp với họ.

2. Quỹ thời gian của bạn

Bạn cần xác định đầu tư là một công việc nghiêm túc và lâu dài. Vì vậy, hãy tận dụng quỹ thời gian hợp lý của mình cho việc đầu tư, không để ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình hay công việc khác. Việc lựa chọn phương pháp đầu tư liên quan mật thiết đến quỹ thời gian hàng ngày của bạn. Nó cũng quyết định bạn là nhà giao dịch full-time hay giao dịch chỉ là nghề tay trái, tranh thủ lúc rảnh rỗi.

Mỗi phương pháp giao dịch đều tập trung vào một chu kỳ thời gian nhất định, một số phương pháp có thể là đa khung thời gian. Nhưng cơ bản, mọi phương pháp đều vẫn xoay quanh một chu kỳ cố định. Chúng ta có 4 phương pháp đầu tư/giao dịch như sau:

  • Scalping: giao dịch (trading) rất nhanh trên khung thời gian 1 phút đến 15 phút (Forex, CK Phái sinh).
  • Day Trading: lệnh giao dịch được mở và kết thúc trong một ngày (Forex, CK Phái sinh)
  • Swing Trading: Lệnh giao dịch được mở và kết thúc trong vài ngày đến một tháng. (Forex, Chứng khoán).
  • Position Trading: Lệnh giao dịch được mở và kết thúc trong vòng vài tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn (Chứng khoán cơ sở).

Những nhà đầu tư full-time thường có khuynh hướng chọn day trading hoặc scalping. Những nhà đầu tư bận rộn với công việc khác thì có khuynh hướng chọn đầu tư trung hạn, dài hạn (Swing và Position). Scalping thì rất kích thích lòng tham và sự hiếu thắng của người mới, vốn đầu tư ít, muốn làm giàu nhanh, và vì vậy đốt tài khoản cũng rất nhanh.

3. Tính cách của bạn

Tính cách ảnh hưởng rất nhiều tới phương pháp mà nhà đầu tư lựa chọn. Những nhà đầu tư có tính hướng ngoại, nóng vội, thiếu điềm tĩnh nhưng lại linh hoạt, thích nghi nhanh với diễn biến thị trường thì rất khó để họ nắm giữ một cố phiếu/ 1 lệnh hàng tháng, hàng năm trời. Họ thường thích phiêu lưu với cảm giác trading ngắn hạn hơn là tẻ nhạt ngồi đợi thời gian trôi mà không thực hiện cú enter nào.

Ngược lại, những người sống hướng nội, sống chậm, không sôi nổi thì thường phù hợp với phương pháp đầu tư dài hạn, đầu tư giá trị.

4. Phong cách phân tích

Có 2 kiểu phân tích chính là Phân tích kỹ thuật và Phân tích cơ bản. Trong ngắn hạn, PTCB gần như vô dụng. Ngược lại, PTKT có thể áp dụng cho mọi cung thời gian. Vì vậy những người chọn phong cách PTKT thường phù hợp với việc giao dịch ngắn hạn. Những người theo phong cách PTCB phù hợp với đầu tư dài hạn, đầu tư giá trị. Một nhà PTCB không thể trading thành công được cũng như một nhà PTKT không thể tìm ra một cổ phiếu tốt để đầu tư dài hạn được.

Nhưng nếu bạn thuần thục cả 2 phong cách này thì bạn trở thành một nhà đầu tư linh hoạt với mọi tình huống thị trường. Phương pháp giao dịch nào bạn cũng có thể chủ động chọn lựa được.

5. Khẩu vị rủi ro

Mỗi nhà đầu tư đều có một mức ngại rủi ro nhất định, không ai giống ai. Nhiều nhà đầu tư có sức chịu rủi ro rất cao thường tìm đến các phương pháp có tính rủi ro cao, lợi nhuận cao: lạm dụng đòn bẩy, khuynh hướng thiên về cờ bạc hơn là quản lý vốn đầu tư một cách khoa học. Họ thường trading nhanh và thoát khỏi thị trường nhanh với mức đòn bẩy sử dụng lớn. Việc khuyên họ chuyển sang phân tích cơ bản để đầu tư dài hạn là điều không tưởng.

Ngược lại là những nhà đầu tư lại rất ngại rủi ro. Họ rất sợ thua lỗ nên nhu cầu tỷ suất lợi nhuận của họ cũng không cao hơn lãi suất ngân hàng là mấy. Thích sự an toàn nên họ thường chọn phân tích cơ bản để tìm các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt, cổ tức đều. Mua và nắm giữ dài hạn để nhận cổ tức hàng năm là phương pháp phòng ngừa rủi ro của họ. Họ hoàn toàn không phù hợp với trading ngắn.

Vậy phương pháp đầu tư nào thực sự mang lại hiệu quả cao nhất?

Dưới đây là thống kê của các nhà kinh tế thế giới trong lĩnh vực Forex. Có thể nó sẽ giác ngộ cho bạn nhiều điều.

  • 80% Day trader sẽ từ bỏ nghề trading trong vòng 2 năm đầu.
  • Có khoảng 40% day trader chỉ trụ được 1 tháng. Trong vòng 3 năm con số này giảm còn 13%, sau 5 năm chỉ còn khoảng 7% (tiếp tục giao dịch chứ không phải kiệm được lợi nhuận).
  • Chỉ có khoảng 1% day trader có thể có lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí giao dịch.
  • Có những nhà giao dịch thua lỗ trong 10 năm liên tiếp. Trader có khuynh hướng tiếp tục giao dịch ngay cả khi hiệu suất giao dịch của họ rất tệ.
  • Các day trader có lợi nhuận chỉ chiếm 1,6% trong tất cá các kiểu trader. Tuy nhiên, họ lại rất năng nổ giao dịch, chiếm đến 12% các hoạt động trading hàng ngày.

Con số thống kê ở TTCK tôi nghĩ cũng không khả quan hơn đối với các trader lướt sóng cổ phiếu.

Mỗi cá nhân có một thế mạnh nhất định ở một phương pháp nào đó, không thể nói rằng phương pháp mà người này đang vận dụng hiệu quả (đương nhiên người ta cũng không đi chia sẻ cho người khác) thì người khác cũng vận dụng thành công ngay được. Cần có sự thay đổi rất nhiều về tư duy đầu tư để xây dựng cho mình một phương pháp riêng hiệu quả. Tôi chỉ có một lời khuyên từ kinh nghiệm đầu tư của mình rằng: bạn chỉ có 1% cơ hội chiến thắng với phương pháp Scalping và Day trading.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 1 | Tổng điểm: 5]