YẾU TỐ SỐ 1: CÁC THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DOANH NGHIỆP
Bước phân tích này giống như vòng sơ tuyển để chọn ra những thí sinh ưu tú vậy. Thông tin cơ bản nói lên rất nhiều điều về doanh nghiệp, qua đó cho ta cái nhìn cảm quan để đánh giá khả năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Xin được lấy một ví dụ về công ty cổ phần FPT tại https://s.cafef.vn/hose/FPT-cong-ty-co-phan-fpt.chn. Các thông tin cơ bản về doanh nghiệp bao gồm:
1. Tên doanh nghiệp, nhóm ngành, vốn điều lệ, số lượng cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành
1.1. Tên doanh nghiệp
Đây là thông tin sơ khai nhất khi chúng ta tiếp cận một doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp đôi khi còn quan trọng hơn cả nhãn hiệu, vì một doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu nhưng tên doanh nghiệp thì là duy nhất. Tên doanh nghiệp phải khiến khách hàng nghe thấy hay, thấy ấn tượng, và nhanh chóng ghi nhớ quả không phải chuyện dễ dàng.
– Tên công ty nói lên nhiều điều về kỳ vọng, triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lại. Tên công ty cũng có thể nói lên lĩnh vực hoạt động chủ chốt và quyết định nhiều tới sự mở rộng phát triển trong tương lại. Ngoại trừ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở lĩnh vực công ích hoặc các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân hay vướng phải cách đặt tên:
+ Mang cái tên không có nhiều ý nghĩa marketing, hoàn toàn thuần việt, khó đọc, dài dòng, không nói lên tầm nhìn tương lai rộng mở của doanh nghiệp dạng như: “công ty Cổ phần Công nghiệp – Dịch vụ – Thương mại…” “công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ…”, “công ty cổ phần Tư vấn đầu tư…”, “công ty cổ phần tư vấn tài chính…”…
+ Mang những cái tên quá “kêu” “phô trương”, muốn thể hiện mong muốn, quyết tâm của chủ doanh nghiệp thường lại hay phản chủ dạng như: “Tài Lộc”, “Hưng Thịnh”, “Thành Đạt”, “Phát Lộc”, “Bảo An”, “Hoàn Hảo”, “Tiên Phong”, “Số 1”, “Top 1”, “Toàn Cầu”.
+ Mang tên riêng của một người là chủ tịch (hoặc con chủ tịch) thường thể hiện cá tính bảo thủ, cái tôi quá lớn của người đó trong việc điều hành doanh nghiệp, sự độc đoán có thể bao trùm trong đường lối, khuynh hướng dễ dẫn tới mô hình công ty gia đình. Ví dụ: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, Công ty cổ phần Trang, Công ty Cổ phần Công nghiệp – Dịch vụ – Thương Mại Ngọc Nghĩa…
– Tên doanh nghiệp nên được đặt một cách ngắn gọn, dễ phát âm quốc tế, dễ quáng bá, giao thương quốc tế. Thông thường, rất nhiều thương hiệu lớn, tập đoàn lớn trên thế giới có những cái tên rất ngắn và đầy ngẫu hứng, không có ý nghĩa gì như Nike, Apple, IBM, Microsoft, Amazon, Facebook…
Tại sao chúng ta cứ phải đau đầu, vắt óc nghĩ đến một cái tên doanh nghiệp có ý nghĩa gì đó mà lại thuần Việt? Một cái tên vô nghĩa có được không? Thực tế khi đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có nghĩa hay vô nghĩa không còn quan trọng nữa, quan trọng là nếu nó ngắn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ quảng bá thì sẽ dễ đi sâu vào lòng người. Một cái tên doanh nghiệp thuần Việt quá dài, quá truyền thống đủ nói lên sự rườm rà và thiếu tham vọng vươn tầm quốc tế của các ông chủ Việt.
Ở Việt Nam, các nhà đầu tư có thể để ý các tập đoàn lớn mạnh tên sẽ như thế nào nhé: Vingroup, Masan, FPT… Ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ!
Công ty cổ phần FPT có cái tên rất dễ nhớ, ngắn gọn, hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Với số vốn điều lệ gần 7.840 tỷ đồng, FPT là một doanh nghiệp có quy mô khá trên TTCK Việt Nam và là doanh nghiệp lớn nhất ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam.
1.2. Ngành hoạt động, vốn điều lệ, số lượng cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành
– Ngành hoạt động cho chúng ta biết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào.
– Vốn điều lệ hiện tại nói lên quy mô của công ty trên thị trường và trong ngành của mình.
– Số lượng cổ phiếu đang niêm yết cho biết số cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán bao gồm cả cổ phiếu quỹ (nếu có).
– Số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho biết số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên sàn chứng khoán, không bao gồm cổ phiếu quỹ.
2. Tổ chức kiểm toán doanh nghiệp
Đây là một yếu tố quan trọng đánh giá chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp về độ tin cậy, chính xác, minh bạch. Các doanh nghiệp có tổ chức kiểm toán thuộc Big 4 kiểm toán đều có độ tin cậy rất cao đối với BCTC. Thường các doanh nghiệp lớn, uy tín sẽ chọn Big 4 để kiểm toán BCTC của mình.
Big 4 kiểm toán là những tổ chức kiểm toán uy tín nhất trên thế giới bao gồm: Pricewaterhouse Coopers (PWC), Deloitte (Deloitte), Ernst and Young (E&Y), KPMG.
Các BCTC của các doanh nghiệp không thuộc diện kiểm toán của Big 4 sẽ không có độ tin cậy cao và có thể có nhiều thủ thuật, xào xáo, không minh bạch. Tất nhiên, đó sẽ là một điểm trừ lớn khi phân tích BCTC doanh nghiệp.
Công ty cổ phần FPT được kiểm toán bởi công ty kiểm toán Deloitte trong suốt nhiều năm qua nên BCTC của FPT là có độ tin cậy cao, doanh nghiệp có uy tín.
3. Lịch sử hình thành và phát triển
Nhiều nhà đầu tư dễ phớt lờ những thông tin cơ bản về Lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp vì dài dòng, ngại đọc nhưng đây lại là một yếu tố vô cùng quan trọng nói lên nhiều điều trong profile của doanh nghiệp. Có hai loại hình doanh nghiệp cần lưu ý đối với các cổ phiếu niêm yết trên sàn CKVN: Doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước và doanh nghiệp tư nhân 100%.
– Doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước có sở hữu cổ phần sẽ có nhiều ưu thế, thuận lợi để phát triển như tệp khách hàng được hỗ trợ tốt, đối tác nhiều, nguồn vốn dồi dào hơn, chi phí đầu vào thấp hơn…
– Doanh nghiệp cổ phần 100% vốn tư nhân sẽ phải chịu thiệt thòi hơn trong quá trình phát triển về nguồn vốn, khách hàng, các gói thầu cạnh tranh… Tức là công ty phải tự đi trên chính đôi chân của mình chứ không có Nhà nước hỗ trợ.
– Đối với doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư nên chú ý thời gian thành lập doanh nghiệp. Trong vòng 10-15 năm đầu hình thành và phát triển, doanh nghiệp rất dễ bị đào thải bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường. Đây là giai đoạn thử thách cam go nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và vươn xa hay chỉ hoạt động cầm chừng. Những doanh nghiệp tư nhân dưới 15 năm thành lập và phát triển thường có diễn biến giá cổ phiếu phập phù và đi xuống đúng như lộ trình thử thách và sinh tồn. Khi chọn một cổ phiếu để đầu tư dài hạn, nhà đầu tư nên hạn chế chọn những cổ phiếu dưới 15 năm hình thành và phát triển. Các bạn cứ kiểm chứng đồ thị giá của các cổ phiếu dạng này sẽ có câu trả lời khách quan nhất.
– Trong quá trình phát triển, nhà đầu tư cần xem xét tốc độ mở rộng quy mô của doanh nghiệp (hệ thống nhân sự, công ty con, chi nhánh…), quy mô vốn, đối tác chiến lược, sự tăng trưởng qua các năm, các thành tựu nổi bật… Các yếu tố này cần được đánh giá bằng kỹ năng, kinh nghiệm và có thể so sánh với các công ty khác cùng ngành.
Công ty cổ phần FPT là công ty có nguồn gốc nhà nước, hình thành và phát triển được 32 năm, đủ lâu để tạo thương hiệu và nền móng vững chắc trên TTCK. FPT có nhiều sự chuyển biến nhanh chóng, mạnh mẽ trong quá trình phát triển về quy mô và lĩnh vực hoạt động.
4. Ngành nghề kinh doanh chính
Doanh nghiệp nếu không phải hoạt động theo hình thức tập đoàn đa ngành hoặc tổng công ty đều cần có một ngành nghề kinh doanh mũi nhọn. Nếu một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh quá dàn trải (thậm chí không liên quan gì với nhau), không tập trung phát triển mạnh một mảng nào, mổi ngành dây dưa một chút ắt sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả. “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, đó là những “tuyên ngôn” rất chính xác trong công việc cũng như kinh doanh. Nếu một doanh nghiệp tập trung hết nguồn lực để phát triển một lĩnh vực mà mình có nhiều thế mạnh, nhiều khả năng cạnh tranh, nhiều nguồn lực để phát triển nhất thì sẽ bền bỉ phát triển, tiến được rất xa, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
Thế nhưng, những công ty tư nhân mới thành lập ở Việt Nam dưới 15 năm thường hay tự xưng là tập đoàn (group) với vài công ty con kinh doanh ở nhiều lĩnh vực đang khá phổ biến trong thời đại khởi nghiệp ở Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp này có quá trình phát triển chưa đủ lâu để xây dựng được thương hiệu, lại đèo bồng, dàn trải nhiều ngành nghề không có thế mạnh cạnh tranh, quản trị kém, dẫn tới hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn tự xưng này thường rất thấp. Giá cổ phiếu luôn phản ánh đúng những gì thực tế khách quan diễn ra. Các ví dụ có thể nêu ra như các cổ phiếu: FIT, FLC, BCG, TVC, ASM, HAG…
Thực tế ở TTCK Việt Nam, nhiều doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lên sàn với mục đích cá nhân, ý đồ xấu của ban lãnh đạo chứ không hẳn vì mục tiêu phát triển của doanh nghiệp bền vững và đem lại lợi ích cho các cổ đông trong dài hạn.