4 lưu ý khi sử dụng Indicator

249
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 3 | Tổng điểm: 5]

Các nhà đầu tư nghiệp dư rất dễ rơi vào tình trạng lạm dụng các chỉ báo kỹ thuật. Chỉ báo kỹ thuật không phải là tất cả những gì PTKT có. PTKT còn bao gồm nhiều công cụ tuyệt vời hơn như Price action, Volume Spread Analysis (VSA), Market profile…

Chỉ báo là thứ tiện lợi và dễ ứng dụng nhất, có tính phong trào nhất, và vì vậy nó dễ bị lạm dụng nhất. Tiếc thay, hầu hết các chỉ báo đều có độ trễ so với diễn biến của giá. Một biểu đồ với nhằng nhịt các chỉ báo dễ đưa bạn đến sự loạn chỉ báo, các quyết định mua/bán cũng vì thế mà thiếu độ chính xác.

Dưới đây là những lưu ý cho các tín đồ của indicator:

1. Không có chỉ báo nào có thể hoạt động trên mọi điều kiện thị trường

Nhà giao dịch phải hiểu chỉ báo của mình và sử dụng nó vào đúng giai đoạn thị trường mà nó hoạt động tốt. Ví dụ, bạn không nên dùng MA (một dạng chỉ báo xu hướng) trong điều kiện thị trường đi ngang, hay một chỉ báo dao động (oscillator) nào đó khi thị trường đang có xu hướng.

Nhà PTKT nên tìm hiểu thật sâu một đến một vài indicator nào đó mà họ thấy phù hợp, hơn là thử hàng loạt mà không hiểu tường tận một cái nào cả.

2. Chỉ báo thường đưa ra các tín hiệu có độ trễ 

Một lỗi khá phổ biến của giới phân tích kỹ thuật, đặc biệt đối với những newbies đó là sử dụng quá nhiều indicator. Họ thường đặt hết niềm tin vào các chỉ báo và gắn đủ thứ lên chart của mình đến nỗi bỏ qua phần quan trọng nhất – hành động giá. Nguồn gốc của chỉ báo là giá chứ không phải ngược lại. Đây là lý do tại sao các chỉ báo thường có độ trễ, tại sao chúng thường re-paint (vẽ lại), và tại sao chúng thường rất hoàn hảo khi nhìn về quá khứ.

Đừng quá tham lam mà đính đủ thể loại lên chart của mình, sự tham lam này có thể làm bạn bị che khuất đi cái nhìn quan trọng nhất cần có đó là chuyển động của giá. Lạm dụng một thứ gì đó luôn luôn phản tác dụng.

3. Chỉ báo sẽ hoạt động tốt hơn khi có nhiều người sử dụng 

Điều này gần như là đương nhiên. Phân tích kỹ thuật rất rõ ràng, khoa học, không bao giờ có yếu tố ma mị, huyền bí, tâm linh. Vì vậy, những chỉ báo mang tính phổ thông sẽ có độ tin cậy cao hơn những chỉ báo mà rất ít người biết tới. Một số chỉ báo thường được đánh giá cao hơn số còn lại như Fibonacci, RSI, MACD, Ichimoku, Boligerband đơn giản là vì có rất nhiều người đồng thuận sử dụng các chỉ báo này theo cùng một nguyên tắc áp dụng. Chính vì nhiều người cùng sử dụng nên trên biểu đồ giá thường xuất hiện những vùng cung cầu mạnh. Tất cả những gì bạn chờ đợi ở các chỉ báo này là tìm ra các vùng đó.

4. Khung thời gian càng nhỏ, độ chính xác của chỉ báo càng thấp

Khung thời gian càng nhỏ, độ phức tạp của xu hướng càng cao, diễn biến giá càng khó lường hơn do ở các khung càng nhỏ thì càng ít người áp dụng chỉ báo để ra quyết định giao dịch hơn. Độ nhiễu của xu hướng, những bước đi ngẫu nhiên của giá cũng nhiều hơn. Ở khung thời gian lớn, các nhà giao dịch sẽ có thời gian để phân tích, định lượng và ra các quyết định giao dịch. Giá rõ ràng có khuynh hướng diễn biến chậm chạp, điềm tĩnh hơn ở khung lớn do các quyết định được đưa ra có sự chuẩn bị kỹ càng hơn từ các nhà phân tích. Và vì vậy, độ chính xác của các chỉ báo ở khung thời gian lớn là cao hơn nhiều các khung bé.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 3 | Tổng điểm: 5]