YẾU TỐ SỐ 5: BAN LÃNH ĐẠO VÀ SỞ HỮU CỦA DOANH NGHIỆP
Ban lãnh đạo có thể nói là phần quan trọng nhất trong nền tảng cốt lõi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sự phát triển bền vững hay không phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo của ban lãnh đạo.
Ban lãnh đạo trẻ tuổi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tư cách đạo đức
Theo kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một hội đồng quản trị có độ tuổi trung bình dưới 42 thường không tồn tại ở một công ty đang tăng trưởng tốt và có tài chính lành mạnh. Cá biệt có những doanh nghiệp đang niêm yết mà ban lãnh đạo còn rất trẻ. Những doanh nghiệp này thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về quản trị và tư cách đạo đức của ban lãnh đạo đáng quan ngại. Họ có khuynh hướng thao túng giá cổ phiếu, kéo giá lên cao để bán giá tốt, để rồi cổ phiếu ngày càng giảm giá theo thời gian.
Một ban lãnh đạo tốt cũng không nên là một ban lãnh đạo gồm nhiều thành viên trong một gia đình.
Cơ cấu cổ đông của một công ty có các quỹ đầu tư, tổ chức lớn (không có liên quan với người trong ban lãnh đạo) sẽ là một điểm cộng lớn khi phân tích cơ bản một cổ phiếu. Đặc biệt, nếu cơ cấu cổ đông có cổ đông nhà nước thì đó là một lợi thế rất lớn. Ngược lại, một doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông “không đẹp” là các doanh nghiệp không có cổ đông lớn hoặc gồm một đến vài cá nhân nắm giữ lượng lớn cổ phần của công ty mà không có cổ đông tổ chức.
Giao dịch cổ đông nội bộ và cổ đông lớn cho chúng ta biết nhiều điều, quan trọng nhất là biết được Ban lãnh đạo quan tâm tới việc mua bán cổ phiếu hay là điều hành doanh nghiệp. Việc người trong ban lãnh đạo liên tục đăng ký mua bán cổ phiếu trong thời gian ngắn là một vấn đề nổi cộm của doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Lãnh đạo doanh nghiệp tốt hầu như thường xuyên bận rộn với công việc. Họ chủ yếu quan tâm vào điều hành sản xuất kinh doanh hơn là quan tâm mua bán của phiếu của mình đang nắm giữ hoặc diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.