Các sàn giao dịch chứng khoán tập trung ở Việt Nam và các chỉ số chứng khoán

48
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 1 | Tổng điểm: 5]

Ở bài viết trước, Wikidautu đã giới thiệu về đặc điểm của các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, các bạn có thể tìm đọc tại: https://wikidautu.com/dac-diem-cua-cac-san-giao-dich-chung-khoan-viet-nam/

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu 3 sàn giao dịch tập trung: HoSE, HNX và UpCom.

I. Sàn HoSE

1. Khái niệm

Sàn HoSE hay HSX là viết tắt tên tiếng Anh của Sở giao dịch chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh – Ho Chi Minh City Stock Exchange, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. HoSE có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000 với 02 doanh nghiệp niêm yết: REE và SAM; 6 công ty chứng khoán thành viên làm cầu nối giữa nhà đầu tư và thị trường thời điểm bấy giờ là CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Đệ Nhất (FSC – Hiện là CTCK Yuanta Việt Nam), CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK Ngân hàng ACB (ACBS), CTCK Thăng Long (TLS – Hiện là CTCK MBS) và CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC).

Sau hơn 20 năm phát triển cùng thăng trầm thị trường, sàn HoSE hiện là sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam tính đến nay. Tại thời điểm tháng 05/2022, số lượng công ty niêm yết trên sàn HoSE là 400 doanh nghiệp với 522 mã chứng khoán niêm yết, trong đó, 404 mã cổ phiếu, 102 mã chứng chuyền có bảo đảm, 09 mã chứng chỉ quỹ ETF, 05 mã trái phiếu và 02 mã chứng chỉ quỹ đóng. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết lớn hơn 129,28 tỷ cổ phiếu.

2. Điều kiện niêm yết và hủy niêm yết

Sàn HoSE có quy định niêm yết và hủy niêm yết khắt khe nhất trong ba sàn giao dịch tập trung tại Việt Nam.

2.1 Các điều kiện niêm yết

Vốn điều lệ

Giá trị vốn điều lệ đã góp tính đến thời điểm đăng ký niêm yết phải đạt tối thiểu 120 tỷ đồng dựa trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán.

Thời gian hoạt động

Công ty đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE phải có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức:

  • Công ty Cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.
  • Cổ phiếu của công ty đã được giao dịch trên sàn UpCom từ 2 năm trở lên.

Kết quả kinh doanh

  • Công ty đăng ký niêm yết phải kinh doanh có lãi trong ít nhất 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết cổ phiếu.
  • Có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại thời điểm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký niêm yết tối thiểu 5%.
  • Không có bất kỳ khoản nợ quá hạn trên 1 năm nào.
  • Không có lỗ luỹ kế trong BCTC đã kiểm toán năm gần nhất.

Cơ cấu cổ đông

Phải có ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết được nắm giữ bởi ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn.

Tính minh bạch

  • Công ty đăng ký niêm yết trên sàn HoSE phải công khai toàn bộ khoản nợ của các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc/Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc/Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, các cổ đông lớn và những đối tượng có liên quan.
  • Công ty không có hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi bị cấm liên quan đến kế toán hay gian lận báo cáo tài chính.
  • Công ty và người đại diện theo pháp luật của công ty không bị pháp luật xử lý do vi phạm những điều bị cấm đối với hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.

Điều kiện khác

  • Các cổ đông lớn, cổ đông là tổ chức và cá nhân phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu trong 6 tháng đầu và 50% số cổ phiếu trong 6 tháng tiếp theo, trừ trường hợp cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
  • Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu phải thoả mãn những quy định của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.

2.2 Các trường hợp hủy niêm yết

Chứng khoán hủy niêm yết trên sàn giao dịch được chia thành 2 hình thức:

  • Hình thức hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc
  • Hình thức hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện

2.2.1 Trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc

Mã chứng khoán bị hủy niêm yết trên sàn do không đáp ứng đủ các điều kiện, quy định cho việc niêm yết chứng khoán, thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Công ty niêm yết chứng khoán không đáp ứng được điều kiện số vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng;
  • Không đủ 20% cổ phiếu có quyền biểu quyền của hơn 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ trên sàn;
  • Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;
  • Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;
  • Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;
  • Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết;
  • Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
  • Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;
  • Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;
  • Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;
  • Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết;
  • Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán 2020:
      • Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.
      • Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.
      • Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.
      • Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định Luật Chứng khoán 2020.
  • Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính;
  • Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định;
  • Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Cổ phiếu bị buộc hủy niêm yết trên sàn HSX hoặc HNX theo quy định chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 02 năm trên hệ thống giao dịch UpCom.

2.2.2 Hình thức hủy niêm yết tự nguyện

Một công ty muốn hủy niêm yết cần có hơn 50% số phiếu của các cổ đông, trong đó có tối thiểu 15% số phiếu biểu quyết do các cổ đông không phải cổ đông lớn. Hủy bỏ niêm yết tự nguyện chỉ được thực hiện sau tối thiếu 2 năm niêm yết trên sàn.

Khi cổ phiếu nhà đầu tư mua bị huỷ niêm yết ở một trong hai trường hợp trên, cổ phiếu đó vẫn có thể có giá trị giao dịch, bởi pháp luật đã quy định các công ty có cổ phiếu bị huỷ niêm yết vẫn cần đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCom. Về quyền sở hữu, khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu, vì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên việc giá trị của cổ phiếu có còn đạt giá trị cao hay cổ phiếu có được thanh khoản một cách dễ dàng hay không là một câu chuyện khác.

Trường hợp nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng không chuyển sàn, có nghĩa là không được niêm yết chứng khoán ở cả ba sàn HSX, HNX hoặc UpCom, bạn cần liên hệ với phòng cổ đông của công ty để được cấp sổ cổ đông, rà soát lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc bán dưới dạng thương lượng thỏa thuận với nhà đầu tư có nhu cầu.

3. Chỉ số chứng khoán trên sàn HoSe

3.1 Chỉ số VNINDEX (VNI)

VN-Index là chỉ số mang tính đại diện cho tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên HoSE. Chỉ số được tính toán và thay đổi trong thời gian diễn ra giao dịch. Trong quá trình đó, sự biến động về giá cổ phiếu làm thay đổi giá trị chỉ số.

Trước đây, VN-Index được tính theo công thức đơn giản như sau:

Ví dụ 1: VN-Index có giá trị cơ sở ban đầu là 100 điểm, vào ngày cơ sở là ngày đầu tiên thị trường đi vào hoạt động 28/7/2000. Chỉ số VN-Index ngày 10/8/2021 là 1362,79 điểm. Điều này có nghĩa là tổng giá trị thị trường (vốn hóa) của tất cả các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HOSE có giá trị gấp 13,6279 lần giá trị gốc ngày 28/7/2000.

Mục đích Wikidautu đưa ra cách tính cũ để các bạn có thể dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa của chỉ số. Sau đây là cách tính chỉ số hiện hành, tuy có thay đổi về mặt toán học nhưng cách hiểu về chỉ số này tương tự như ví dụ 1 mà Wikidautu đã đưa ra. Việc sử dụng cách tính mới cho phép tính đại diện thị trường và tính liên tục của chỉ số VN-Index được cải thiện.

(Công thức dựa trên Bộ quy tắc xây dựng và quản lý chỉ số HOSE-Index cập nhật tháng 11/2020, các chỉ số VN-Index, VN30-Index, VN Midcap, VN100… được tính toán dựa trên phương pháp giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float)

Trong đó:

CMV (Current Market Value) – Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại được tính như sau:

i: 1,2,3,… n

n: Số cổ phiếu trong rổ chỉ số

pi: Giá cổ phiếu i tại thời điểm tính toán

si: Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu i tại thời điểm tính toán

fi: Tỷ lệ free-float làm tròn của cổ phiếu i trong rổ chỉ số tại thời điểm (Free float là tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Tỷ lệ free float được tính theo công thức như sau:)

ci: Tỷ lệ giới hạn tỷ trọng vốn hóa (chỉ tiêu này để tránh tình trạng một cổ phiếu đơn lẻ hay một nhóm cổ phiếu có liên quan chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, làm mất tính tổng quát thị trường của chỉ số VN-Index)

Với mỗi chỉ số (VN-Index, VN30-Index, VN Midcap, VN100…), các cấu phần trong công thức có sự thay đổi hoặc áp dụng những quy tắc tính toán riêng.

Với hệ số chia, trong trường hợp có sự tăng hoặc giảm giá trị vốn hóa thị trường mà nguyên nhân không phải do sự biến động giá thị trường mà do các sự kiện doanh nghiệp hoặc các thay đổi về số lượng cổ phiếu thành phần, số chia cần phải điều chỉnh. Nguyên tắc là làm cho chỉ số trước và sau khi có biến động là bằng nhau.

  Chỉ số sau điều chỉnh = Chỉ số trước điều chỉnh

Trong đó:

      • Hệ số chia (trước) và CMV (trước) là hệ số chia và giá trị vốn hóa trước khi điều chỉnh
      • Hệ số chia (sau) và CMV (sau) là hệ số chia và giá trị vốn hóa sau khi điều chỉnh

3.2 Chỉ số VN30Index (VN30)

Bên cạnh VN-Index, HOSE đã lập và đưa vào sử dụng VN30-Index bắt đầu từ ngày 06/02/2012. Công thức tính giống với Bộ quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index được đề cập ở mục VN-Index.

Chỉ số này gồm 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hóa thị trường cũng như thanh khoản cao nhất, cụ thể là nhóm 30 cổ phiếu này chiếm 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (tính đến 13/08/2021).

Theo quy định, vào ngày thứ hai của tuần thứ tư tháng 1 và tháng 7 hàng năm, HSX thực hiện đổi rổ cổ phiếu của chỉ số VN30-Index.

Các bước để chọn 30 cổ phiếu trong rổ VN30 bao gồm:

Bước 1: Chọn 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường bình quân hàng ngày trong 6 tháng cao nhất, loại trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc có thời gian niêm yết dưới 6 tháng. Tuy nhiên các cổ phiếu có giá trị vốn hóa thuộc Top 5 của thị trường thì chỉ yêu cầu thời gian niêm yết 3 tháng trở lên.

Bước 2: Loại bỏ các cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do (free-float) dưới 5%.

Bước 3: Các cổ phiếu còn lại sau bước 2 được sắp xếp theo thứ tự giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng giảm dần. 20 cổ phiếu ở thứ hạng đầu tiên được chọn vào VN30. Các cổ phiếu thứ hạng từ 21 đến 40 thì ưu tiên các cổ phiếu cũ, sau đó mới đến lựa chọn các cổ phiếu mới để cho vào rổ (điều này để đảm bảo tính ổn định của bộ chỉ số).

Bước 4: HOSE xem xét lần cuối cùng trước khi công bố rổ chỉ số mới một tuần trước ngày bắt đầu giao dịch rổ chỉ số mới.

Qua các bước nói trên, có thể thấy điều kiện để một cổ phiếu lọt vào trong rổ VN30 không bao hàm các tiêu chí về tiềm năng sinh lời, tình hình sản xuất kinh doanh hay đạo đức ban lãnh đạo doanh nghiệp. Việc có một cổ phiếu làm giá hay công ty có rủi ro lớn về vay nợ trong VN30 là không hiếm. Vì vậy, việc rót vốn đầu tư vào các doanh nghiệp trong danh mục này mà không nghiên cứu kỹ vẫn tồn tại rủi ro lớn.

II. Sàn HNX

1. Khái niệm

Sàn HNX là tên gọi của sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, tên viết tắt của cụm từ tiếng anh Hanoi Stock Exchange. HNX là sàn giao dịch chứng khoán cho các cổ phiếu của công ty đại chúng niêm yết do sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức và quản lý trực tiếp. Tiền thân của sàn HNX là Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, được quyết định thành lập vào năm 2005.

2. Điều kiện niêm yết và hủy niêm yết

2.1 Các điều kiện niêm yết

Vốn điều lệ

Tại thời điểm đăng ký, vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên tính trên báo cáo kiểm toán.

Hoạt động kinh doanh

  • Công ty hoạt động ít nhất 01 năm dưới hình thức công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký.
  • Năm liền trước năm đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán phải có lãi.
  • Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại thời điểm gần nhất tính tới thời điểm đăng ký niêm yết đạt tối thiểu 5%.
  • Không có nợ quá hạn trên 01 năm, không có lỗ luỹ kế tại thời điểm đăng ký niêm yết.
  • Công ty không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật hay các vi phạm liên quan đến vấn đề kế toán và báo cáo tài chính.

Cơ cấu cổ đông

Tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ.

Các điều kiện niêm yết khác

  • Cá nhân, tổ chức là TVHĐQT, GĐ (TGĐ), PGĐ (PTGĐ), BKS,  KTT và cổ đông lớn là người có liên quan, cam kết nắm giữ 100% số CP do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số CP này trong thời gian 6 tháng tiếp theo.
  • Cổ phiếu đã giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom tối thiểu 02 năm và được đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết. Trừ tổ chức đăng ký niêm yết đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa.

2.2 Các trường hợp hủy niêm yết trên sàn HNX

Tương tự trường hợp sàn HSX, HNX cũng chia làm hai hình thức hủy niêm yết là tự nguyện và bắt buộc. Hình thức hủy niêm yết tự nguyện cũng có các đặc điểm giống với sàn HSX. Trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc ở sàn HNX phần lớn không có khác biệt với HSX, ngoại trừ một số điều kiện nới lỏng như sau:

  • Công ty niêm yết chứng khoán không đáp ứng được điều kiện số vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng (so với 120 tỷ của HSX);
  • Không đủ 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết của hơn 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ (so với 20% của HSX).

3. Chỉ số chứng khoán trên sàn HNX

Chỉ số HNX

HNX-Index là chỉ số mang tính đại diện cho tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên sàn HNX. Chỉ số được tính toán và thay đổi trong thời gian diễn ra giao dịch. Trong quá trình đó, sự biến động về giá cổ phiếu làm thay đổi giá trị chỉ số.

Ý nghĩa và cách thức tính chỉ số HNX-Index tương tự như trường hợp VN-Index kể trên.

Chỉ số HNX30

HNX30 là danh sách 30 cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản hàng đầu trên sàn HNX. Chỉ số này có điểm cơ sở là 100, được lập vào ngày 3/1/2012. Phương pháp tính chỉ số tương tự VN-Index và VN30.

Các bước chọn lọc cổ phiếu đủ tiêu chí rổ HNX30:

Bước 1: Chọn 100 cổ phiếu có giá trị bình quân giao dịch cao nhất trong 12 tháng gần nhất;

Bước 2: Tiếp tục loại, giữ lại 70 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất;

Bước 3: Trong 70 cổ phiếu vừa chọn, kiểm tra tính thanh khoản bằng cách tính tỷ lệ giữa khối lượng trung bình của mỗi tháng với khối lượng luân chuyển của ngày cuối cùng của tháng. Mã cổ phiếu nào có 6 trên 12 tháng có tỷ lệ nhỏ hơn 0,2% sẽ bị loại;

Bước 4: Lựa chọn 30 mã cổ phiếu có tỷ lệ chuyển nhượng lớn nhất, đảm bảo mỗi ngành không vượt quá 20% cổ phiếu trong rổ.

Cũng giống danh mục VN30, việc các cổ phiếu được lựa chọn vào HNX30 không liên quan đến tiềm năng hay rủi ro của doanh nghiệp đó trong tương lai.

III. Sàn UpCom

1. Khái niệm

UpCom là từ viết tắt của Unlisted Public Company Market được thành lập năm 2009 bởi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Sàn được lập ra đóng vai trò như một trạm trung chuyển, là nơi để các cổ phiếu đủ điều kiện đi lên niêm yết tại hai sàn lớn là HSX và HNX hoặc cổ phiếu không đáp ứng điều kiện, buộc hủy niêm yết sẽ bị đẩy xuống giao dịch tại UpCom. Bên cạnh đó, UpCom có ít các điều kiện ràng buộc về niêm yết nhất trong ba sàn, kích thích các công ty chưa niêm yết tham gia thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản trị.

Ban đầu với chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia, nhưng sau nhiêu năm hoạt động sàn giao dịch chứng khoán UpCom đã có hơn 500 cổ phiếu, vượt qua cả sàn HOSE và HNX về số lượng doanh nghiệp tham gia.

2. Điều kiện niêm yết và hủy niêm yết

2.1 Các điều kiện niêm yết

Vốn điều lệ

Công ty có trên 10 tỷ đồng vốn điều lệ với giá trị đúng trên sổ kế toán.

Kết quả kinh doanh

Trong 5 năm trước khi chào bán cổ phiếu ra đại chúng phải có lợi nhuận, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký chào bán.

Điều kiện khác

Quá trình niêm yết trên sàn UpCom, kế hoạch sử dụng vốn phải được thông qua bởi tất cả cổ đông. Theo quy định mới, cổ phiếu của công ty phải được chào bán trên sàn UpCom trong 2 năm.

2.2 Hủy niêm yết

Sàn UpCom không có quy định về hủy niêm yết bắt buộc như HSX hay HNX. Việc hủy niêm yết trên UpCom thuộc trường hợp tự nguyện từ phía doanh nghiệp.

Chỉ số trên sàn UpCom

UpCom-Index là chỉ số mang tính đại diện cho tất cả cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên sàn UpCom. Chỉ số được tính toán và thay đổi trong thời gian diễn ra giao dịch. Trong quá trình đó, sự biến động về giá cổ phiếu làm thay đổi giá trị chỉ số.

Ý nghĩa và cách thức tính chỉ số UpCom-Index tương tự như trường hợp VN-Index kể trên.

Tìm hiểu thêm về giao dịch và các quy định trong giao dịch qua các bài viết dưới đây:

  1. Đặc điểm của các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam:

https://wikidautu.com/dac-diem-cua-cac-san-giao-dich-chung-khoan-viet-nam/

  1. Các quy định về giao dịch chứng khoán

https://wikidautu.com/cac-quy-dinh-ve-giao-dich-chung-khoan/

  1. Các loại lệnh và thời gian thanh toán trong giao dịch cổ phiếu:

https://wikidautu.com/cac-loai-lenh-va-thoi-gian-thanh-toan-trong-giao-dich-co-phieu/

 

 

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 1 | Tổng điểm: 5]