Các loại lệnh và thời gian thanh toán trong giao dịch cổ phiếu

59
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 3 | Tổng điểm: 5]

Ở bài viết trước, Wikidautu đã giới thiệu về các quy định trong giao dịch chứng khoán, các bạn có thể tìm đọc tại đây: https://wikidautu.com/cac-quy-dinh-ve-giao-dich-chung-khoan/.

Tiếp nối chủ đề này, hãy cùng Wikidautu đi sâu hơn về cơ chế hoạt động của từng lệnh và thời gian thanh toán trong giao dịch cổ phiếu.

1. Thời gian đặt lệnh giao dịch

Chứng khoán được giao dịch trên HSX, HNX và UPCOM trong thời gian quy định, cụ thể:

2. Cơ chế hoạt động của các lệnh giao dịch

a. Lệnh LO (Limited Order)

Sàn áp dụng: HSX, HNX, UpCom

LO là loại lệnh mặc định trong nhiều nền tảng giao dịch chứng khoán, bạn chỉ cần nhập giá và khối lượng theo nguyện vọng (với giá nằm trong khoảng trần sàn của cổ phiếu mục tiêu). Là lệnh mua/bán tại mức giá được nhập hoặc tại mức giá tốt hơn.

Khái niệm mức giá tốt hơn, được hiểu là các cổ phiếu đang được bán thấp hơn giá lệnh bạn nhập mua; hoặc các cổ phiếu đang được thị trường chào mua cao hơn giá của lệnh bạn nhập bán. Lệnh có hiệu lực kể từ khi được nhập vào hệ thống cho đến hết phiên giao dịch hoặc được hủy bỏ/sửa đổi.

Nhà đầu tư đặt lệnh trước phiên giao dịch hoặc trong giờ nghỉ trưa, hệ thống sẽ thông báo lệnh ở trạng thái “chờ gửi” và hiệu lực khi phiên giao dịch bắt đầu. Lệnh khớp tuân theo quy tắc ưu tiên giảm dần về độ hấp dẫn của giá, thời gian đặt lệnh và khối lượng:

– Giá mua cao hơn hoặc giá bán thấp hơn ưu tiên khớp trước.

– Nếu giá đặt giống nhau, hệ thống ưu tiên khớp lệnh đặt trước.

– Cùng hai tiêu chí trên, lệnh có khối lượng lớn hơn sẽ khớp trước.

Ví dụ: DXG đang giao dịch với các dữ kiện:

(Bảng điểm MBS: Giá x 1,000 Khối lượng x10)

(Hướng dẫn cách xem bảng giá: https://wikidautu.com/huong-dan-cach-xem-bang-gia-chung-khoan/)

– Trường hợp đặt MUA lệnh LO với GIÁ THẤP HƠN GIÁ 1 (13.5) BÊN DƯ BÁN:

Khi bạn đặt MUA DXG GIÁ 13.40 KHỐI LƯỢNG 1,000 CỔ PHIẾU.

Lệnh sẽ được treo ở mục DƯ MUA, GIÁ 2, với KL 2 tăng lên từ 412,000 lên 413,000.

Lệnh đặt muốn khớp, phải chờ 412,000 cổ phiếu DXG đặt mua 13.40 trước đó khớp hết, và có người bán chủ động thêm 1,000 cổ phiếu ở giá này.

– Trường hợp đặt MUA lệnh LO với GIÁ BẰNG GIÁ 1 (13.5) BÊN DƯ BÁN:

Khi bạn đặt MUA DXG GIÁ 13.5 KHỐI LƯỢNG 22,000.

Trên thị trường hiện tại có 21,800 cổ phiếu bán ở giá này, vì vậy lệnh của bạn sẽ khớp ngay 21,800 cổ phiếu.

200 cổ phiếu chưa được khớp sẽ chuyển sang treo bên DƯ MUA, GIÁ 1.

Những người mua ở giá 13.45 sẽ bị đẩy từ GIÁ 1 sang GIÁ 2 trên bảng điện, bởi bạn đang đặt mua với giá hấp dẫn nhất tại thời điểm đang xét tới trong ví dụ này.

– Trường hợp đặt MUA lệnh LO với GIÁ CAO HƠN GIÁ 1 (13.5) BÊN DƯ BÁN:

Khi bạn đặt MUA DXG GIÁ 13.55 KHỐI LƯỢNG 200,000.

Trên thị trường đang có lô cổ phiếu cho mua giá tốt hơn giá bạn đặt, với 21,800 cổ phiếu DXG bán ở giá 13.50. Theo cơ chế của LO, lệnh sẽ khớp trước lô cổ phiếu này.

Còn lại 178,200 (200,000-21,800) cổ phiếu sẽ khớp giá 13.55.

Cơ chế hoạt động tương tự khi bạn nhập bán bằng lệnh LO.

b. Lệnh ATC/ATO (At The Close/At The Open)

Lệnh ATC áp dụng cho HSX và HNX. Lệnh ATO chỉ áp dụng cho HSX.

Phiên định kỳ (Phiên ATC/ATO) xác định giá mở cửa và giá đóng cửa của ngày giao dịch, từ việc tìm ra mức giá có khối lượng khớp lớn nhất kể từ thời điểm bước vào phiên ATC/ATO.

HNX, UpCom không có phiên ATO nên giá mở cửa là giá của lệnh khớp đầu tiên trong ngày.

Lệnh phát sinh trong phiên định kỳ sẽ không thể hủy hay sửa đổi.

Phiên định kỳ ưu tiên so khớp các lệnh ATC/ATO trước với nhau, theo thứ tự thời gian đặt lệnh rồi đến khối lượng do đây là đối tượng chấp nhận mua bán mọi mức giá. Các lệnh LO được ưu tiên so khớp sau cùng trong phiên này.

Lệnh ATC/ATO tự động khớp/hủy khi phiên định kỳ kết thúc. Trường hợp lệnh ATC/ATO không được thực hiện khi không có lệnh LO nào được đặt, điều này rất hiếm khi xảy ra. Trường hợp phổ biến hơn khi có sự chênh lệch giữa khối lượng mua và bán sau phiên khớp lệnh định kỳ – Điều này được Wikidautu giải thích chi tiết ở ví dụ dưới.

Ví dụ hoạt động của phiên định kỳ – Áp dụng cho cả ATC/ATO:

Tại phiên ATO, một mã chứng khoán có các lệnh mua và bán như sau:

Do mức giá cao hơn luôn được người đã đặt bán với giá thấp hơn chấp nhận, và mức giá thấp hơn nghiễm nhiên được người đặt mua cao hơn chấp nhận, vì vậy:

– Ở mức giá 220,0:

Khối lượng mua: 10,000 (M1 lệnh ATO) + 15,000 (M2) = 25,000 cổ phiếu.

Khối lượng bán: 20,000 (B1 lệnh ATO) + 35,000 (B2) + … + 10,000 (B7) = 131,000 cổ phiếu.

Như vậy ở giá 220,0 có khối lượng khớp 25,000 cổ phiếu.

106,000 cổ phiếu (131,000 – 25,000) dôi ra của người bán không có người mua nên không được khớp.

– Ở mức giá 219,9:

Do giá giảm so với mức giá 220,0 nên xuất hiện thêm nguồn cầu M3 và giảm đi nguồn cung B2 – những người chỉ sẵn sàng bán khi có giá 220,0 hoặc cao hơn:

Khối lượng mua: 10,000 (M1 lệnh ATO) + 15,000 (M2) + 17,000 (M3) = 42,000 cổ phiếu.

Khối lượng bán: 20,000 (B1 lệnh ATO) + 20,000 (B3) + … + 10,000 (B7) = 96,000 cổ phiếu.

Như vậy ở giá 219,9 có khối lượng khớp 42,000 cổ phiếu. 54,000 cổ phiếu (96,000 – 42,000) dôi ra của người bán không có người mua nên không được khớp.

Tương tự với các trường hợp còn lại, ta có bảng lũy kế khối lượng mua/bán ở từng mức giá:

Từ bảng trên, ta có mức giá sở hữu khối lượng khớp nhiều nhất là 219,8 với 62,000 cổ phiếu được giao dịch.

Các lệnh khớp trong trường hợp trên: M1, M2, M3, M4; B1, B5, B6, B7

Riêng lệnh B4 còn lại 14,000 (76,000 – 62,000) chưa được thực hiện.

Trường hợp có nhiều mức giá đạt khối lượng giao dịch lớn nhất thì mức giá trùng hoặc gần với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn. Nếu vẫn còn nhiều mức giá thoả mãn điều kiện trên thì mức giá cao hơn sẽ được chọn.

c. Lệnh MP (Market Price Order)

Sàn áp dụng: HSX

Lệnh MP chỉ hiệu lực trong phiên giao dịch liên tục. Với lệnh mua MP, hệ thống thực hiện mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hiện có trên thị trường. Với lệnh bán MP, hệ thống thực hiện bán chứng khoán tại giá mua cao nhất hiện có trên thị trường.

Lệnh MP sẽ tự động tìm các mức giá tốt nhất đang được treo trên thị trường để thực hiện đủ khối lượng đặt lệnh. Trường hợp không còn bất kỳ lệnh đối ứng nào để khớp đủ khối lượng đặt, lệnh MP sẽ chuyển thành lệnh LO treo tại mức giá cao hơn (đối với lệnh mua) hoặc thấp hơn (đối với lệnh bán) một đơn vị yết giá so với giá của giao dịch cuối cùng.

Cách đặt lệnh MP:

Khi bạn muốn MUA MP KHỐI LƯỢNG 400,000 CỔ PHIẾU DXG trong phiên khớp lệnh liên tục, cần nhập “MP” vào mục giá và thêm khối lượng nguyện vọng.

Sau khi khớp hết 21,800 cổ phiếu DXG ở mức giá 13.5, lệnh MP sẽ tự động khớp các giá cao hơn liền kế sao cho đủ 400,000 cổ phiếu hoặc không còn lệnh để khớp mới dừng lại.

Sau cùng, lô hàng của bạn được khớp như sau:

d. Lệnh MTL (Market To Limit)

Sàn áp dụng: HNX

Tương tự như lệnh MP, nhưng là ở sàn HNX.

e. Lệnh MOK (Match Or Kill)

Sàn áp dụng: HNX

Là lệnh MP ở sàn HNX, tuy nhiên lệnh sẽ bị hủy nếu tại thời điểm đặt lệnh không đủ khối lượng đối ứng để khớp toàn bộ lệnh.

f. Lệnh MAK (Match Anh Kill)

Sàn áp dụng: HNX

Là lệnh MP ở sàn HNX, tuy nhiên khác với MOK, lệnh MAK vẫn thực hiện trên toàn bộ khối lượng đối ứng hiện có tại thời điểm nhập lệnh, phần còn lại không thể khớp mới bị hủy.

g. Lệnh PLO (Post Limit Order)

Sàn áp dụng: HNX

Là lệnh đặt mua/bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Lệnh chỉ được nhập vào hệ thống trong thời gian 14h45’-15h00’ và khớp ngay khi có lệnh đối ứng. Lệnh tự động hủy bỏ sau 15h00’. Lệnh không được nhập vào hệ thống nếu không có lệnh khớp trong phiên khớp lệnh liên tục và khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC).

Lệnh PLO không được phép sửa, hủy.

Lệnh PLO chỉ hiển thị một trong hai bên Dư mua hoặc Dư bán, tùy theo cung hay cầu vượt trội hơn tại thời điểm. Nếu có lệnh đối ứng, khối lượng bên dư sẽ được cấn trừ và lệnh sẽ khớp ngay.

Thao tác đặt lệnh, nhập “PLO” vào ô giá và nhập khối lượng mong muốn.

3. Chu kỳ thanh toán T+:

Chữ T trong các thuật ngữ trên được xuất phát từ “Transaction” nghĩa là “Ngày giao dịch”.

Các chu kỳ thanh toán T+ được hiểu như sau:

T+1: Ngày thứ 1 sau ngày thực hiện giao dịch;

T+2: Ngày thứ 2 sau ngày thực hiện giao dịch;

T+2.5: Tương tự T+2 nhưng tiền/cổ phiếu về sau 12h trưa của phiên giao dịch;

Ví dụ:

Vào ngày Thứ Hai, bạn mua 100 cổ phiếu VNM, vào 12h00 trưa ngày Thứ Tư cổ phiếu sẽ về tài khoản và sẵn sàng cho giao dịch bán từ sau thời điểm đó.

 

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 3 | Tổng điểm: 5]