Qua việc nghiên cứu sự vận động của các thị trường vốn ta phần nào có thể phát hiện sớm những chuyển biến quan trọng của thị trường chứng khoán trong tương lai gần.
Chu kỳ luân chuyển vốn giữa 4 loại tài sản tài chính
Có bốn loại tài sản trên thị trường tài chính: trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa (bao gồm cả Cryptocurrency – tiền ảo) và tiền tệ (ngoại hối).
Một chu kỳ kinh tế thường kéo dài từ 4-5 năm, bắt đầu bằng sự hồi phục từ vùng trũng tăng trưởng, phát triển, đạt đỉnh, thu hẹp đà tăng trưởng và cuối cùng là đi tới một vùng trũng tăng trưởng khác (có thể xảy ra suy thoái, khủng hoảng…). Trong từng giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh tế, dòng vốn tập trung không đồng đều giữa bốn thị trường. Vốn nhịp nhàng thay đổi dựa vào tính thông minh của tiền – luôn tìm kiếm tới nơi giúp nó sinh trưởng mạnh mẽ lúc thuận lợi, và trú ẩn ở nơi an toàn khi kinh tế tồn tại nhiều rủi ro. Từ đó, tồn tại một chu kỳ khác song hành cùng chu kỳ kinh tế, đó là chu kỳ luân chuyển vốn.
1. Giai đoạn vùng trũng tăng trưởng
Ở giai đoạn này, kinh tế đạt đáy tăng trưởng, tuy nhiên thị trường chứng khoán đã tạo đáy trước và hồi phục được một thời gian. Bản chất của thị trường chứng khoán là chạy theo kỳ vọng, phản ảnh những gì sẽ xảy ra ở tương lai.
2. Giai đoạn phát triển
Đầu giai đoạn phát triển là sự thăng hoa của hai thị trường cổ phiếu và hàng hóa mà dẫn dắt là thị trường cổ phiếu.
Giai đoạn này đánh dấu sự trì trệ của thị trường trái phiếu. Khi kinh tế phát triển, kỳ vọng lạc quan khiến dòng vốn có khẩu vị ưa thích rủi ro hơn, mang lại lợi nhuận tốt hơn so với thị trường phòng thủ như trái phiếu.
Lưu ý, trong bài viết này Wikidautu chỉ đang nhắc tới thị trường trái phiếu của Kho bạc Mỹ, với đặc thù lãi suất thấp và là nơi phòng thủ của dòng tiền những lúc thị trường tiềm tàng rủi ro (suy thoái, khủng hoảng,…) nhờ độ tin cậy cao của Chính phủ khi chưa có lịch sử vỡ nợ, bùng nợ trong quá khứ.
3. Giai đoạn đỉnh kinh tế
Đến cuối giai đoạn tăng trưởng, khi nền kinh tế phát triển với tốc độ mạnh hơn bao giờ hết, chúng ta sẽ thấy sự “đảo ngôi” của hai thị trường chứng khoán và hàng hóa.
Với thị trường chứng khoán, mọi kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp nói riêng gần như đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Thị trường bắt đầu tăng trưởng chậm lại và bước vào giai đoạn tạo đỉnh phân phối. Trong khi đó, thị trường hàng hóa đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng so với hai thị trường còn lại. Khi kinh tế phát triển mạnh, người ta thường có xu hướng lạc quan và “mát tay” trong việc vay mượn tiền, mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, do đó tổng cầu kinh tế tăng dẫn tới giá của hàng hóa tăng mạnh. Đây là một dấu hiệu quan trọng, khi thị trường hàng hóa tăng nóng tức lạm phát sẽ tăng cao, gây “bong bóng” cho nền kinh tế. Để ngăn chặn điều này, FED thường tăng lãi suất, giảm cung và vòng xoay của tiền. Lãi suất cao gây tổn hại cho kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp, từ đó làm giảm giá cổ phiếu. Vì vậy, khi phát hiện sự dẫn dắt của thị trường hàng hóa, nhà đầu tư cần phải cảnh giác cao tới danh mục bởi xác suất cao đỉnh thị trường cổ phiếu đang tới gần.
Với vai trò là “phong vũ biểu” nền kinh tế, thị trường cổ phiếu đã tạo đỉnh và giảm được một đoạn khi kinh tế đạt đỉnh. Những kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp đã được phản ảnh vào giá, đó là lí do vì sao nhà đầu tư thường được nghe những câu chuyện về “kỷ lục lợi nhuận” trong giai đoạn này nhưng giá cổ phiếu thì tiếp tục giảm.
Giai đoạn vùng đỉnh kinh tế chứng kiến những cú nước rút tăng mạnh của thị trường hàng hóa, tiêu dùng doanh nghiệp cho sản xuất, dịch vụ hay tiêu dùng cá nhân mạnh hơn bao giờ hết đẩy tổng cầu của toàn nền kinh tế lên cao kéo theo các chỉ báo về giá cả tăng mạnh. Các ngân hàng trung ương buộc phải ra tay nâng lãi suất để kìm hãm giá cả “nóng” quá mức. Từ đây, kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm dần và bước vào giai đoạn tiếp theo: thu hẹp đà phát triển và tiến tới vùng trũng mới (có thể dẫn tới suy thoái, khủng hoảng).
4. Giai đoạn thu hẹp đà phát triển
Giai đoạn này đánh dấu sự đi xuống của cả ba thị trường trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa. Vậy lúc này tiền sẽ đi về đâu?
Khi Mỹ tăng lãi suất, phần chênh lãi suất giữa Mỹ và các quốc gia khác sẽ thu hẹp. Lấy ví dụ Mỹ và Việt Nam, từ 2020 đến đầu 2022, chênh lệch lãi suất ~ 4% với lãi suất của Mỹ gần như bằng 0%. Đây là mức chênh lệch hấp dẫn để dòng vốn lớn chảy từ các nước phát triển lãi suất thấp như Mỹ sang các thị trường mới nổi hoặc đang phát triển như Việt Nam. Chưa kể lãi suất cao hơn khiến việc rút USD sang VND gửi ngân hàng đã có lãi, đầu tư danh mục vào các nước đang phát triển thường có tỷ suất sinh lời trung bình cao hơn các nước đã phát triển.
Tuy nhiên khi Mỹ tăng lãi suất đến năm 2023, ta thấy khoảng cách lãi suất chỉ còn dưới 1%, đây là mức chênh không hấp dẫn cho dòng vốn ở lại các nước đang phát triển vốn luôn tồn tại nhiều rủi ro hệ thống hơn so với các nước đã phát triển (chính trị, nền tảng kinh tế, tín nhiệm tín dụng…). Do vậy vốn lớn rút ra khỏi các thị trường này, chạy vào các đồng tiền trú ẩn như USD, JPY, CHF…
5. Giai đoạn vũng trũng tăng trưởng – kết thúc một chu kỳ
Lãi suất tăng làm lạm phát giảm, nhưng cũng bóp nghẹt sự phát triển của nền kinh tế. Trong quá trình kinh tế đi xuống, xuất hiện nhiều tin xấu về cả vi mô lẫn vĩ mô, thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa lao dốc. Rủi ro về một cuộc suy thoái hay khủng hoảng khiến dòng vốn tìm đến một trong những nơi trú ngụ an toàn nhất – trái phiếu.
Khi trái phiếu dẫn dắt tăng trưởng, đó cũng là lúc rất gần với thời điểm chứng khoán tạo đáy. Khi kinh tế đang ở trạng thái bi quan nhất, cũng là lúc cơ hội mở ra với thị trường chứng khoán với kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới ở tương lai gần. Vì thế có thể nói, trái phiếu là thị trường dẫn dắt của cổ phiếu.
Có thể tổng kết lại các tín hiệu quan trọng cho thị trường cổ phiếu như sau:
Tín hiệu | Trạng thái thị trường cổ phiếu |
Trái phiếu dẫn dắt tăng | Vùng đáy hoặc đi lên từ đáy |
Hàng hóa dẫn dắt tăng | Gần vùng đỉnh hoặc phân phối đỉnh |
USD dẫn dắt tăng | Giảm mạnh từ đỉnh |