Đặc điểm của những doanh nghiệp hay bị thao túng giá

368
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]

TTCK Việt Nam ra đời vừa tròn 20 năm, đã có những thành tựu, những bước nhảy vọt đáng kể, tính minh bạch cũng đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều những kẽ hở và sự thiếu nghiêm minh của pháp luật, dẫn đến việc rất nhiều cổ phiếu đang có hiện tượng bị thao túng giá, “rửa tiền”, “bán giấy lộn”. Người thiệt hại nhiều nhất vẫn là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người tham lam và thiếu hiểu biết.

Đằng sau những con số đẹp đẽ trên báo cáo tài chính, những phiên giao dịch với thanh khoản tốt đôi khi là cả một kế hoạch hoàn hảo của bộ phận lãnh đạo công ty. Cổ phiếu FTM, LMH và nhiều cổ phiếu khác là những bài học xương máu, nhưng rõ ràng biểu đồ giá đã phát đi rất nhiều tín hiệu sụp đổ trước khi nó thành sự thật.

Trên kinh nghiệm thực tế, wikidautu muốn chia sẻ với các nhà đầu tư những đặc điểm chung thường thấy của những cổ phiếu dễ “có vấn đề”, “có dấu hiệu” tạo lập giá và thường được các “đội lái” thao túng. Tất cả các cổ phiếu bị thao túng này đều mang ít nhất một trong các đặc điểm sau:

1. Công ty thành lập dưới 12 năm, không có vốn nhà nước và có tốc độ tăng vốn rất nhanh trước và sau khi lên sàn.

Khi tìm hiểu một cổ phiếu, việc đầu tiên chúng ta nên tiếp cận là xem xét kỹ hồ sơ công ty, bao gồm: Quá trình hình thành và phát triển, ngành nghề kinh doanh chính, cơ cấu cổ đông, ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mới lên sàn bao giờ cũng dễ bị thao túng hơn là các doanh nghiệp có lịch sử niêm yết lâu năm (> 10 năm).

Một doanh nghiệp dưới 12 năm tuổi chỉ giống như những đứa trẻ đang tập đọc, tập viết nếu so sánh tuổi đời công ty với một đời người. Giai đoạn dưới 12 năm hình thành là thời kỳ canh tranh để sinh tồn của doanh nghiệp. Không có nhiều công ty có thể chiếm lĩnh được thị phần lớn và gây dựng tên tuổi hùng mạnh trong thời gian chưa đến 12 năm, ngoại trừ công ty đa cấp. Thương trường là chiến trường với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp gia nhập càng muộn càng nhanh bị đào thải và nếu có trụ được thì thời gian để tạo được chỗ đứng càng lâu. Các doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng vốn khủng trước và sau khi lên sàn một thời gian ngắn là một dấu hiệu đáng để loại khỏi watch list của bạn.

2. Các cổ đông lớn của công ty là các cá nhân

Điều kiện cần thiết để một nhóm người có thể thao túng được giá là sở hữu một lượng lớn cổ phiếu và tiền mặt (hoặc vay margin như FTM). Khi đó nhóm này sẽ kiểm soát chặt chẽ được cung cầu. Thông thường, việc nhóm người không liên quan mật thiết mượn một lượng lớn cổ phiếu của các cổ đông lớn (cũng thường là ban lãnh đạo) để làm giá là không tưởng. Vì vậy, bản chất của việc làm giá cổ phiếu trong suốt một giai đoạn dài phải xuất phát từ ý chí của bản thân các cổ đông lớn. Khi nhóm này tập trung nguồn cổ phiếu đủ lớn, họ sẽ phải tìm nguồn tiền, hầu hết thì tiềm lực tài chính cá nhân không đủ (đã đủ thì đã không phải đi lừa, đã mang tiếng lừa thì dùng tiền của thằng khác lừa cho đúng thủ đoạn), nhóm này sẽ dùng chính cổ phiếu đó làm tài sản ký quỹ để vay các công ty chứng khoán, ngân hàng.

Các công ty có cơ cấu cổ đông gồm cả các quỹ đầu tư, tổ chức lớn (không có liên quan với người trong ban lãnh đạo) sẽ là một điểm cộng lớn khi phân tích cơ bản một cổ phiếu.

3. Ban lãnh đạo còn trẻ hoặc là nhóm người trong một gia đình

Theo kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một hội đồng quản trị có độ tuổi trung bình dưới 42 thường không tồn tại ở một công ty đang tăng trưởng tốt và có tài chính lành mạnh.

4. Ban lãnh đạo quan tâm tới việc mua bán cổ phiếu hơn là điều hành doanh nghiệp

Việc người trong ban lãnh đạo liên tục đăng ký mua bán cổ phiếu là một vấn đề nổi cộm của doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Lãnh đạo doanh nghiệp tốt hầu như thường xuyên bận rộn với công việc. Họ chủ yếu quan tâm vào điều hành sản xuất kinh doanh hơn là quan tâm mua bán của phiếu của mình đang nắm giữ hoặc diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.

5. Tỷ lệ tài sản cố định trong tổng cộng tài sản rất thấp

Doanh nghiệp sản xuất thuần túy thì tài sản cố định nhiều, doanh thu cũng sẽ có tính ổn định. Các cổ phiếu dạng này sẽ ít được làm giá hơn các doanh nghiệp có tài sản cố định thấp. Thường thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, dịch vụ có tỷ lệ tài sản cố định rất thấp trong tổng tài sản.

6. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư tài chính

Đây là các doanh nghiệp hay được các đội lái thao túng nhất vì tài sản cố định ít, tài sản thực rất ảo. Các doanh nghiệp có cụm từ “Đầu tư”, “Dịch vụ – Thương mại”, “Tài chính”, “Tư vấn đầu tư”, “Holding”, “Capital” trong tên của mình thường dễ có biểu hiện làm giá hơn các doanh nghiệp sản xuất thuần túy như đã nói.

7. Doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh đa dạng, không tập trung vào một ngành chính nào

Mỗi lĩnh vực lấn sân một tý nhưng không có thế mạnh rõ ràng ở một mảng nào đó là vấn đề quen thuộc của các tập đoàn tự xưng trên TTCK Việt Nam. Cái cốt của việc niêm yết lên sàn chủ yếu là để các cổ đông lớn thoái được vốn, chuyển hóa từ giấy lộn sang tiền.

Sau tất cả những hành vi thao túng, nhà đầu tư đừng nên trông chờ quá nhiều vào cơ quan quản lý, hãy thật tỉnh táo, đừng mờ mắt vì sự tham lam mù quáng. Mọi người cần trang bị kiến thức để có thể bảo vệ túi tiền của mình, cần xem xet kỹ lưỡng trước khi tham gia giao dịch các cổ phiếu tồn tại một trong 7 vấn đề trên. Bạn có thể kiếm được tiền ở một vài cổ phiếu dạng như vậy, để rồi mất đi số tiền lớn hơn thế rất nhiều chỉ ở một cổ phiếu khác cũng dạng ấy.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 2 | Tổng điểm: 5]