Đặc điểm của các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam

44
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 1 | Tổng điểm: 5]

Hiện nay, nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu qua hai sàn giao dịch: tập trung và phi tập trung. Hãy cùng WikiDautu tìm hiểu về hai sàn giao dịch này.

1. Sàn giao dịch tập trung

Giao dịch tập trung là một thị trường tài chính bao gồm tất cả các lệnh mua bán được chuyển đến một sàn giao dịch trung tâm mà không có thị trường cạnh tranh nào khác. Việt Nam có ba sàn giao dịch tập trung thuộc quản lý bởi Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước là HoSE, HNX và UpCom.

Một số đặc điểm chính của thị trường tập trung:

– Giá niêm yết của các loại chứng khoán khác nhau được niêm yết trên sàn giao dịch đại diện cho mức giá duy nhất có sẵn tại một thời điểm.

– Tồn tại một cơ sở thanh toán bù trừ, nằm giữa người mua và người bán, đảm bảo tính pháp lý của các giao dịch. Trên thực tế, các nhà đầu tư giao dịch thông qua sàn giao dịch chứ không phải với nhau.

– Việc các công ty có được niêm yết để giao dịch trên sàn tập trung hay không cần thỏa mãn những tiêu chí nhất định của Luật chứng khoán và quy định của sàn đó.

Các bạn muốn tìm hiểu thêm các quy định chi tiết về giao dịch Chứng khoán trên sàn HSX, HNX, UpCom có thể truy cập bài viết: https://wikidautu.com/cac-quy-dinh-ve-giao-dich-chung-khoan/

2. Sàn giao dịch phi tập trung (OTC)

OTC có nguồn gốc từ Tiếng Anh Over-The-Counter Market, được hiểu là thị trường giao dịch chứng khoán không có sở giao dịch tập trung. Hoạt động sàn OTC ở Việt Nam là hợp pháp và chịu sự chi phối bởi Luật Chứng khoán, tuy nhiên những quy định cũng như hành lang pháp lý cho thị trường này còn lỏng lẻo.

Một số đặc điểm chính của thị trường phi tập trung (OTC):

– Sàn OTC là nơi giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa được niêm yết, không quy định bắt buộc về kiểm toán độc lập, công khai báo cáo tài chính. Điều này có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc đánh giá, nhận định về tình hình doanh nghiệp mình muốn đầu tư.

– Giao dịch OTC hoạt động trên nguyên tắc người mua và người bán tự thương lượng giá cả và số lượng. Tất cả các bên tương tác thông qua các nền tảng trung gian như trang web và diễn đàn.

– Giá của những cổ phiếu trên sàn OTC không được công khai và cập nhật trên bảng điện tử, mà thông qua hệ thống các đại lý, các nhà môi giới hay các trang tin chuyển nhượng.

– Có hai dạng cổ phiếu giao dịch trên sàn OTC:

+ Cổ phiếu có mã lưu ký, sẽ được quản lý bởi Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).

+ Cổ phiếu chưa có mã lưu ký, được quản lý bởi Phòng Quản lý cổ đông của chính công ty phát hành, hoặc Công ty chứng khoán giữ sổ cổ đông.

So sánh những đặc điểm giữa hai sàn được tóm tắt lại:

Đặc điểm Sàn giao dịch phi tập trung OTC Sàn giao dịch tập trung
Thời gian giao dịch Giao dịch vào tất cả các ngày, kể cả ngày lễ Giao dịch từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, trừ các ngày lễ
Sàn giao dịch Không cần qua sàn Qua sàn tập trung: HSX, HNX, UpCom
Thời điểm thanh toán Thanh toán ngay sau khi giao dịch Thanh toán sau 2 ngày với tiền, và 2.5 ngày với chứng khoán
Giá cổ phiếu – Giá cổ phiếu mua/bán theo thỏa thuận, không công khai

– Tại một thời điểm có thể có nhiều giá

– Giá niêm yết trên sàn, công khai

– Tại một thời điểm chỉ có một giá duy nhất được niêm yết và chấp nhận giao dịch

Cơ quan quản lý chứng khoán Bởi VSD hoặc/và công ty phát hành Sở giao dịch chứng khoán
Thanh khoản Thanh khoản thấp do thị trường phân tán, nhà đầu tư khó khăn hơn trong việc tìm lệnh đối ứng Thanh khoản cao do đối tượng mua bán đều tập trung giao dịch tại một sàn
Quy định quản lý công ty niêm yết Thấp Cao

 

Như vậy qua so sánh, ta có thể thấy sàn giao dịch tập trung được Nhà Nước áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về khía cạnh giao dịch, biên độ giá, điều kiện niêm yết và sở hữu tính thanh khoản, minh bạch thông tin cao hơn so với sàn giao dịch phi tập trung (OTC). Do đó, rủi ro khi nhà đầu tư tham gia đầu tư các công ty được niêm yết trên thị trường tập trung thường sẽ thấp hơn so với các doanh nghiệp trên thị trường OTC.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 1 | Tổng điểm: 5]