Một kế hoạch giao dịch hoàn chỉnh sẽ cho bạn biết khi nào để vào lệnh, khi nào thoát, cặp tiền/cổ phiếu nào để giao dịch, làm thế nào để quản lý tiền của bạn. Thực hiện checklist như một phần tất yếu trong kế hoạch giao dịch/đầu tư sẽ giúp hệ thống của bạn vận hành trơn tru và nguồn vốn được quản trị rủi ro chặt chẽ. Mặc dù checklist không giúp bạn bách chiến bách thắng nhưng sẽ giữ vững tâm lý và giúp bạn đứng vững trên thị trường sau những lệnh thua lỗ – điều mà rất nhiều trader sợ phải đối mặt.
Hôm nay, Wikidautu chia sẻ checklist giúp bạn quản lý vốn hiệu quả hơn trong giao dịch forex cũng như đầu tư chứng khoán:
1. Bạn đã tìm được điểm thoát lệnh trước khi vào lệnh
Điểm chốt lời, cắt lỗ là một phần tất yếu của kế hoạch giao dịch. Tìm điểm vào lệnh dễ dàng hơn rất nhiều điểm chốt lời, cắt lỗ và vì vậy, nhà giao dịch/đầu tư có khuynh hướng vào lệnh rất nhanh bất chấp mức chốt lời, cắt lỗ có đảm bảo một tỷ lệ Reward/risk đủ tốt hay không.
Điểm này sẽ giúp bạn duy trì được kỷ luật khi giao dịch. Nó cũng giúp bạn rèn luyện thói quen tìm kiếm những “kèo” có reward/risk đủ tốt trước khi vào lệnh, loại bỏ những “kèo” kém hấp dẫn.
2. Định lượng rủi ro bằng khối lượng giao dịch (mức vốn giải ngân)
Khối lượng giao dịch hay mức vốn giải ngân cho một lệnh quyết định mức độ rủi ro mà bạn chấp nhận. Khi bạn chưa bận tâm tới rủi ro mất mát vốn, khối lượng giao dịch luôn tỷ lệ thuận với lòng tham mù quáng. Một trader giàu kinh nghiệm thường cân nhắc với quy tắc rủi ro không quá 2% tổng vốn đầu tư cho bất cứ một lệnh giao dịch nào.
Khối lượng giao dịch cần được điều chỉnh phù hợp với mức rủi ro mà bạn chấp nhận để không vi phạm quy tắc thua lỗ quá 2% tổng vốn đầu tư.
3. Tỷ lệ Reward/risk phải >1
Mỗi chiến lược có tỷ lệ reward/risk khác nhau nhưng để bạn không bị cuốn vào vòng xoáy vào lệnh liên tục thì hãy loại bỏ tất cả những cơ hội có lợi nhuận thấp hơn mức rủi ro mà bạn phải hy sinh.
4. Tần suất xuất hiện tín hiệu vào lệnh
Một số chiến lược xuất hiện nhiều và liên tục các tín hiệu, thì đó có thể là các tín hiệu kém chất lượng. Vào lệnh liên tục là điều nên tránh, hãy lựa chọn chiến lược có tần suất vào lệnh thấp để tiết kiệm chí phí, thời gian giao dịch và để checklist của bạn trở nên trau chuốt hơn.
5. Phải chắc chắn là bạn đã đặt stoploss
Gồng lỗ là điều vô cùng tệ hại đối với trader. Một lệnh gồng lỗ hoặc cắt lỗ muộn màng bằng cách thủ công có thể thổi bay tất cả thành quả bạn kiếm được trước đó. Hãy luôn chắc chắn rằng bạn đã đặt stoploss đồng thời với thời điểm mở lệnh và để thị trường làm nốt phần việc của nó thay vì ngồi canh lệnh. Stoploss bằng mắt hay bằng tâm trí là một sự ngu xuẩn!
6. Bạn vẫn vui vẻ và tiếp tục với checklist này nếu lệnh chuẩn bị vào chạm stoploss
Không như các kỹ thuật giao dịch khác, tâm lý là cái không thể đo lường được. Rõ ràng không ai thích mình bị lỗ. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có cách nhìn và thể hiện khác nhau mỗi khi gặp nó. Bạn cần sẵn sàng đón nhận những lệnh thua lỗ như một phần tất yếu trong đầu tư. Nếu bạn cảm thấy khó chịu, không giữ được bình tĩnh và kiên nhẫn, mọi checklist đều là vô nghĩa.
Không còn gì phải đắn đo, suy nghĩ nữa, nếu đã hoàn thành một cách cẩn thận và đủ quyết đoán checklist này thì việc còn lại của bạn là triển khai theo kế hoạch giao dịch thôi!
Wikidautu.com