Các bước tiến hành phân tích kỹ thuật để ra quyết định giao dịch

1897
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 9 | Tổng điểm: 4.8]

Khi tiến hành phân tích kỹ thuật  (PTKT) một cổ phiếu, chỉ số, giá hàng hóa nào đó ta cần phải trải qua nhiều bước trước khi đưa ra quyết định giao dịch. Để hạn chế những lỗi chủ quan, những điểm tương đối của PTKT và để PTKT phát huy hết năng lực của mình, cần có sự ghi chép tỉ mỉ, kiểm soát chặt chẽ các bước trước khi ta đưa ra quyết định. Giá đã phản ánh tất cả những yếu tố nội tại nên PTKT hoàn toàn có thể lần ra những manh mối để xác định xu hướng sắp tới.

Bước 1: Nhìn tổng quan bức tranh biểu đồ nến

Mục tiêu của việc nhìn tổng thể là để xem loại cổ phiếu, chỉ số, hàng hóa mà chúng ta đang muốn phân tích có áp dụng PTKT được không, có điểm gì đáng ngờ mà chúng ta không nên giao dịch hay không.

– Cái nhìn đầu tiên cần hướng tới đó là khối lượng giao dịch. Như đã nói, PTKT không có nhiều tác dụng đối với những cổ phiếu, chỉ số, hàng hóa có thanh khoản rất thấp (không có nhà đầu tư lớn, dòng tiền lớn) hoặc thành khoản bất thường (thể hiện sự thao túng). Thanh khoản thấp, PTKT vẫn phát huy được công năng của mình ở khung thời gian lớn, nhưng thanh khoản bất thường tạo nên bởi một nhóm cá nhân có ý đồ tạo thanh khoản giả, thao túng giá thì PTKT sẽ không còn chính xác. Khi đã có dấu hiệu thao túng giá thì tốt nhất bạn nên tránh xa, khỏi phân tích làm gì cho mệt chứ đừng nói giao dịch để rồi tiền mất tật mang.

Cổ phiếu có thanh khoản bất thường không theo quy luật cung cầu.

– Tiếp theo hãy nhìn tới hình dáng những cây nến. Những cây nến có hình dạng không bình thường xuất hiện liên tiếp là biểu hiện của sự tạo lập, thao túng mạnh.

– Sau khi loại đi những bất thường từ việc thao túng, làm giá, chúng ta chuyển sang đánh giá xu hướng chung trong vòng 5 năm trở lại đây. Qua cái nhìn trực quan ở biểu đồ tháng, ta có thể thấy xu hướng dài hạn đang diễn ra theo chiều hướng nào: uptrend, sideway hay downtrend. Việc này có ích rất nhiều trong việc phân tích lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.

Bước 2: Xác định xu hướng, đường/vùng hỗ trợ/ kháng cự ở các khung thời gian thấp hơn

Xu hướng là bạn. PTKT là để tìm ra xu hướng và đồng hành cùng chúng. Kẻ các đường xu hướng ở các khung thời gian tuần, ngày, H4 (forex) để biết xu hướng của giá và xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự tiềm năng. Các vùng hỗ trợ kháng cự cũng có thể xác định bằng chỉ báo Fibonacci.

Cần lưu ý là ở các khung thời gian thấp, xu hướng có thể mâu thuẫn với khung thời gian lớn nhưng khung lớn luôn là kim chỉ nam và các khung nhỏ phục vụ mục đích tìm điểm giao dịch tốt hơn. Các con sóng nhỏ không làm ảnh hưởng đến một xu hướng lớn.

Chúng ta tuyệt đối không sử dụng khung thời gian nhỏ để ra quyết định giao dịch. Khung thời gian càng nhỏ, độ phức tạp của xu hướng càng cao bởi nhà đầu tư dễ bị phân tán sự chú ý bởi những yếu tố nhất thời và khó có thể nhìn được xu hướng chung. Ngoài ra, sự biến động liên tục của giá cũng khiến bạn không có thời gian lên kế hoạch và quyết định đúng đắn. Chúng ta sẽ không có thời gian kịp xoay xở hay xác định chính xác các đường hay tính chất của các đường (kháng cự/hỗ trợ) kịp với những biến động của giá. Khung thời gian nhỏ hơn (không phải là nhỏ nhất) chỉ nên được dùng để xác định vùng giá vào lệnh chính xác hơn cho khung thời gian lớn.

Đây cũng là lý do tại sao các trader theo phong cách scalping (chốt lời vài pip đến vài chục pip) sẽ luôn thất bại.

Bước 3: Tìm kiếm các mô hình nến ủng hộ xu hướng hiện tại

Mô hình nến luôn xuất hiện trên mọi biểu đồ không lúc này thì lúc khác, không ở khung nhỏ thì ở khung thời gian lớn hơn. PTKT chờ đợi các mô hình hình thành, xác nhận để cho chúng ta điểm vào lệnh. Chúng ta nên chờ đợi những mô hình ủng hộ cho xu hướng hiện tại đã xác định ở các khung thời gian lớn, có độ chính xác và có tỷ lệ thắng cao. Khi tìm kiếm những mô hình này, cần kết hợp chỉ báo, hành động giá để cho ta cái nhìn chín chắn và khách quan.

Bước 4: Chờ các tín hiệu từ chỉ báo, hành động giá thỏa mãn các tiêu chí vào lệnh

Khi các mô hình chuẩn bị hình thành hoặc giá chuẩn bị chạm các vùng hỗ trợ/kháng cự đặc biệt và phát đi những tín hiệu của hành động giá, khối lượng giao dịch hoặc chỉ báo nào đó cho một tín hiệu tốt thì chúng ta chuyển sang bước 5.

Bước 5: Lên kế hoạch giao dịch

Kế hoạch chi tiết phải được tính toán và ghi chép. Các đề mục cần quan tâm:

– Kế hoạch phân bổ vốn cho lần giao dịch/ giải ngân này: Điều này rất quan trọng giúp bạn giữ cân bằng giữa cuộc sống và đầu tư/giao dịch. Đây là cả một kế hoạch quản lý vốn – quản trị rủi ro trong đầu tư mà bạn phải định hình trong phương pháp giao dịch của mình. Không nên lạm dụng đòn bẩy hoặc rủi ro quá nhiều cho một lần vào lệnh/giải ngân. Đây là lỗi hầu hết các forex trader gặp phải: rủi ro quá nhiều để mong kiếm tiền thật nhiều và nhanh. Đối với các nhà đầu tư chứng khoán thì đó là lỗi full margin.

– Tỷ lệ Reward/Risk (lợi nhuận/rủi ro): Tỷ lệ này phản ánh mức thua lỗ bạn phải chấp nhận để đánh đổi lấy một mức lợi nhuận. Nó phải càng cao càng tốt và luôn lớn hơn 1. Với những cơ hội (ví dụ là một cú hồi khi chạm hỗ trợ) có tỷ lệ sinh lời/thua lỗ bằng 1 thì tốt nhất chúng ta nên bỏ qua để tìm kiếm một giao dịch có rủi ro thấp hơn.

– Xác định rõ điểm vào lênh (mua), điểm thoát lệnh (bán): Điểm thoát lệnh quan trọng và khó xác định hơn rất nhiều điểm vào lệnh. Điểm thoát lệnh quyết định tỷ lệ Reward/Risk của bạn nên cần tính toán từ trước và được ghi rõ trong bản kế hoạch, tránh những quyết định thoát lệnh theo cảm xúc (chốt non hoặc gồng lỗ).

Bước 6: Thực hiện đúng kế hoạch đã đưa ra

Thực hiện giao dịch theo đúng kế hoạch và để thị trường trả lời bạn.

PTKT một cổ phiếu, chỉ số, hàng hóa nào đó đơn giản chỉ là quá trình lặp đi lặp lại của 6 bước trên và bạn có thể áp dụng cho hầu hết mọi thị trường, hàng hóa, chứng khoán. Các nhà đầu tư cần chú ý không đốt cháy giai đoạn bởi những cảm xúc tức thời hay vì sự chủ quan nào đó. Và luôn ghi nhớ: luôn có một nhật ký giao dịch/đầu tư ghi chép đầy đủ các kế hoạch, chiến lược của mình nhé.

 

 

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 9 | Tổng điểm: 4.8]