I. Chứng khoán phái sinh là gì?

Chứng khoán phái sinh (CKPS) là một công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, trong đó, giá trị hợp đồng phái sinh phụ thuộc vào một hay nhiều loại tài sản. Hợp đồng này xác nhận quyền hoặc/và nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở vào thời điểm xác định trong tương lai với mức giá được thỏa thuận tại hợp đồng. Tài sản cơ sở của CKPS được quy định là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác (thực phẩm, nông sản, kim loại,…).

CKPS được triển khai đa dạng dưới 04 loại chính bao gồm:

  • Hợp đồng Kỳ hạn (Forward)

Một thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia mua và bán tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá xác định tại ngày lập hợp đồng.

Ví dụ: Bên A ký hợp đồng kỳ hạn với bên B mua 1 tấn gạo mức giá 7.000đ/kg với kỳ hạn 2 tháng. Như vậy, sau 2 tháng, bên B phải bán cho bên A và bên A phải mua của bên B 1 tấn gạo với mức giá 7.000đ/kg dù giá thị trường ở thời điểm này cao hay thấp hơn giá đã đề ra trong hợp đồng.

Mức chênh lệch giữa giá trong hợp đồng và giá tại thời điểm xác định trong tương lai là cơ sở để tính lãi/lỗ. Nhà đầu tư thường sử dụng để đầu cơ giá cả hoặc hạn chế rủi ro về giá/lãi suất trong tương lai.

  • Hợp đồng Tương lai (Future)

Một dạng hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch tại thị trường tập trung (Sở Giao dịch chứng khoán). Hợp đồng Tương lai được chọn là sản phẩm đầu tiên triển khai tại thị trường Việt Nam, bao gồm: Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30, HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ.

  • Hợp đồng Quyền chọn (Option)

Người nắm giữ hợp đồng này có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Việc này cho phép nhà đầu tư từ chối quyền nếu nhận thấy việc thực hiện giao dịch không có lợi.

Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền.

Ví dụ: Ngày 25/09/2022, bên A mua hợp đồng quyền chọn của bên B và chọn mua 250 cổ phiếu Y với giá $6/cổ phiếu, thời hạn 6 tháng, phí hợp đồng là $50/hợp đồng.

Đến ngày đáo hạn là 14/03/2023, giả sử có hai trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1: Giá cổ phiếu tăng lên $15/cổ phiếu, bên A thấy việc thực hiện hợp đồng có lợi cho mình nên đã chọn thực hiện quyền. Bên B khi đó bất lợi, nhưng phải có nghĩa vụ thực hiện bán lại 250 cổ phiếu Y với giá $6/cổ phiếu cho bên A. Trường hợp bên A thực hiện bán ngay sau đó với giá thị trường, lợi nhuận sau khi trừ phí mua hợp đồng quyền chọn là ($15-$6)*250 – $50 = $2.200.

Trường hợp 2: Giá cổ phiếu giảm xuống $5/cổ phiếu, bên A thấy việc thực hiện hợp đồng không có lợi cho mình nên đã hủy quyền. Bên B có lợi, nhưng có nghĩa vụ thuận theo quyền của bên A, vì vậy giao dịch không được thực hiện. Bên A khi hủy quyền chỉ mất phí hợp đồng là $50, so với lỗ khi thực hiện quyền là ($6-$5)*250 + $50 = $300.

  • Hợp đồng Hoán đổi (Swap)

Đây là hợp đồng được các bên thỏa thuận về việc thực hiện các khoản thanh toán định kỳ hoặc trao đổi các luồng tiền trong tương lai theo phương thức đã định sẵn và trong khoảng thời gian xác định trước. Tại Việt Nam, hợp đồng hoán đổi lãi suất và tiền tệ thường được ngân hàng và các nhà quản lý đầu tư nhằm tối thiểu hóa chi phí vay, hoặc nhằm tài trợ, tạo ra tài sản…

Ví dụ điển hình là các hợp đồng Hoán đổi tín dụng (Credit Swap), theo đó bên mua thanh toán một khoản tiền định kỳ cho bên bán, đổi lại họ nhận được khoản bồi thường nếu công cụ tài chính cơ sở bị mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp một nhà đầu tư mua một CDS từ ngân hàng Citi Bank, tổ chức tham chiếu cho CDS là AIG. Nhà đầu tư phải trả phí định kỳ cho Citi Bank, và nếu AIG mất khả năng thanh toán các khoản nợ, nhà đầu tư nhận được khoản thanh toán một lần từ Citi Bank và hợp đồng CDS chấm dứt. Nếu nhà đầu tư thật sự sở hữu nợ của AIG, CDS được coi là công cụ phòng chống rủi ro. Nhưng nhà đầu tư có thể mua CDS mà không sở hữu nợ của AIG, điều này thực hiện vì mục đích đầu cơ, đánh cược về khả năng mất thanh toán của AIG để kiếm tiền.

Từ 4 hình thức nói trên của chứng khoán phái sinh, có thể thấy đây là một thị trường phức tạp và quy mô lớn trong hệ thống tài chính. Vì vậy, trong khuôn khổ của một bài viết, WikiDautu khó có thể gửi tới bạn đọc tất cả những kiến thức về thị trường này. Sau khi đưa ra hiểu biết chung về chứng khoán phái sinh, nội dung dưới đây tập trung khai thác về hợp đồng tương lai của VN30.

II. Chứng khoán phái sinh ở Việt Nam – Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

1. Khái niệm

Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 là loại Hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số VN30, mô phỏng kỳ vọng giá của chỉ số VN30 tại thời điểm đáo hạn. Cách thức lựa chọn rổ VN30 đã được WikiDautu giải thích tường minh qua bài viết theo link: Các sàn giao dịch chứng khoán tập trung ở Việt Nam và các chỉ số chứng khoán.

Hợp đồng tương lai VN30 giao dịch với 4 mã tương ứng 4 tháng đáo hạn khác nhau: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, 2 tháng cuối của 2 quý gần nhất. Ví dụ, vào ngày 26/05/2023, hiện hữu 4 mã phái sinh với các trường thông tin như sau:

Nguồn: Vietstock

VN30F2306 và VN30F2307 lần lượt là hợp đồng phái sinh của tháng hiện tại và tháng kế tiếp, kí hiệu VN30F là VN30 Future, 2306 và 2307 là hợp đồng tháng 06 năm 2023 và hợp đồng tháng 07 năm 2023. VN30F2309 và VN30F2312 lần lượt là hợp đồng phái sinh của 2 tháng cuối của 2 quý gần nhất liền tiếp.

Giá trị của Hợp đồng tương lai VN30 và Chỉ số VN30 thường có độ lệch, gọi là điểm Basis, được tính bằng cách lấy giá trị thị trường cơ sở (VN30) trừ đi giá trị hợp đồng tương lai (VN30F). Hiện tượng này xảy ra là do VN30F và VN30 sở hữu hai cách tính giá trị hoàn toàn khác nhau:

VN30F là giá khớp hợp đồng trên sàn giao dịch phái sinh với cách thức khớp lệnh tương tự khi mua bán cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu tượng trưng cho kỳ vọng của nhà đầu tư lên doanh nghiệp tại một thời điểm, giá VN30F tượng trưng cho kỳ vọng của nhà đầu tư lên chỉ số VN30.

Ví dụ tại một thời điểm trong phiên, Chỉ số VN30 là 1.060 điểm, Hợp đồng tương lai VN30 là 1.065 điểm, điểm Basis là -5 điểm (1.060-1.065).

Bảng mô tả dưới đây tóm tắt các thông số cần biết đối với một hợp đồng tương lai VN30:

STT Đặc điểm HĐTL chỉ số cổ phiếu VN30
1 Tên hợp đồng Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
2 Quy mô hợp đồng 100.000 đồng x điểm chỉ số cơ sở
3 Hệ số nhân 100.000 đồng
4 Thời gian giao dịch · Phiên ATO: 8h45’ – 9h00’

· Phiên liên tục sáng: 9h00’ – 11h30’

· Phiên liên tục chiều: 13h00’ – 14h30’

· Phiên ATC: 14h30’ – 14h45’

5 Biên độ dao động giá +/- 7%
6 Bước giá 0,1 điểm chỉ số (tương đương 10.000 đồng)
7 Đơn vị giao dịch Hợp đồng
8 KLGD tối thiểu 01 Hợp đồng
9 Ngày đáo hạn Ngày Thứ Năm lần thứ ba trong tháng
10 Ngày thanh toán cuối cùng Ngày làm việc liền sau ngày giao dịch cuối cùng
11 Phương pháp xác định giá thanh toán cuối cùng Giá trị chốt sổ của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng của Hợp đồng tương lai, được tính bằng trung bình cộng gia quyền của 30 phút giao dịch cuối phiên.
12 Giá tham chiếu Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước

2. So sánh Chứng khoán phái sinh và Chứng khoán cơ sở

Chứng khoán phái sinh Chứng khoán cơ sở
Khối lượng giao dịch không bị giới hạn Khối lượng giao dịch giới hạn
Cho phép bán khống Không cho phép bán khống
Có thể bán ngay sau khi mua, lãi/lỗ xác định tức thì Phải đợi 2.5 ngày sau khi mua cổ phiếu mới có thể bán (T+2.5)
Đòn bẩy cao ~ 7 lần và không mất chi phí lãi vay Đòn bẩy tối đa 2 lần và phải chịu lãi vay
Giao dịch từ 8h45 đến 14h45 Giao dịch từ 9h00 đến 14h45
Thời gian sở hữu hợp đồng đến ngày đáo hạn Không giới hạn về thời gian sở hữu cố phiếu
Giới hạn vị thế nắm giữ tối đa với các nhà đầu tư cá nhân là 5.000 hợp đồng, tổ chức là 10.000 hợp đồng và nhà đầu tư chuyên nghiệp là 20.000 hợp đồng. Không giới hạn số lượng cổ phiếu nắm giữ

3. Cơ hội và rủi ro của chứng khoán phái sinh Việt Nam

3.1 Cơ hội

a, Mở và đóng lệnh tức thì

Không giống như những sản phẩm chứng khoán cơ sở, người mua phải mất 2,5 ngày chứng khoán mới về tài khoản. Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu cho phép giao dịch T0, có nghĩa là sau khi nhà đầu tư đã mua hoặc bán cổ phiếu thì ngay trong ngày giao dịch, có thể bán hoặc mua một lượng tương đương.

b, Phòng hộ tài khoản

Bên cạnh việc đầu cơ kiếm lời trên thị trường phái sinh, nhà đầu tư có thể quản lý rủi ro biến động giá một cách hiệu quả. Trường hợp bạn lo ngại cổ phiếu nắm giữ trên thị trường cơ sở có thể giảm giá ở tương lai gần, bạn có thể thể hạn chế thua lỗ khi thực hiện phòng hộ tài khoản bằng cách bán khống thị trường phái sinh, điều mà bạn không được làm trên thị trường cơ sở.

c, Đòn bẩy cao và không mất lãi vay

Khi tham gia giao dịch hợp đồng tương lai nhà đầu tư có khả năng thu được những khoản lợi nhuận hấp dẫn chỉ với một số tiền ký quỹ rất nhỏ ban đầu.

Ví dụ: Nhà đầu tư tham gia vị thế mua mua hợp đồng tương lai chỉ số VN30 với với giá 1.000 điểm, theo hệ số nhân 100.000 đồng/điểm thì giá trị hợp đồng nhà đầu tư tham gia lên đến 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ giao động từ 13-17% (phụ thuộc từng công ty chứng khoán) tức 13-17 triệu đồng là đã có thể giao dịch phái sinh. Ở ví dụ này, tôi sẽ lấy giá trị kỹ quỹ mẫu là 15%.

Khi giá hợp đồng tăng lên từ 1.000 điểm lên 1.005 điểm thì nhà đầu tư đang có lãi với giá trị 500.000 đồng, giá trị ký quỹ tăng lên 15,5 triệu đồng.

Nếu giao dịch không ký quỹ, phần trăm lãi so với số tiền ban đầu là: (1.005 – 1.000)/1.000 x 100% = 0,5%. Trong khi đó, với hợp đồng tương lai phần trăm lãi nhà đầu tư nhận được lên đến: (1.005 – 1.000) x 15% = 33,3%.

d, Tính thanh khoản cao

Với số lượng hợp đồng mở giao dịch không bị giới hạn như cổ phiếu phát hành của một doanh nghiệp, cùng với chu kỳ thanh toán T0 và được niêm yết giao dịch tập trung trên sở giao dịch chứng khoán, hợp đồng phái sinh VN30F có khả năng thanh khoản thậm chí còn cao hơn cả thị trường cơ sở.

f, Xây dựng chiến lược linh hoạt

Thị trường phái sinh cho phép giao dịch hai chiều , vì vậy trên lý thuyết, nhà đầu tư có cơ hội kiếm lời trong mọi hoàn cảnh của thị trường.

3.2 Rủi ro

a, Giao dịch T0

Việc có thể đóng vị thế ngay trong phiên giao dịch là một điểm cộng giúp nhà đầu tư ngăn chặn sai lầm trong phân tích một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, điều này lại bị một số thành phần trên thị trường khai thác với mục đích đầu cơ trong ngày (scalping) – giao dịch nhiều vị thế trong phiên nhằm chuộc lợi từ sự chênh lệch giá. Trên thực tế, việc có thể phân tích và trading thành công trong siêu ngắn hạn là việc cực khó do tính ngẫu nhiên đi cùng với độ nhiễu cao của khung thời gian nhỏ. Bên cạnh đó, trader rất có thể rơi vào 7 sai lầm tạo nên nhà đầu tư thất bại khi giao dịch trong T0 như giao dịch quá nhiều, quản trị rủi ro tồi, không kỷ luật…

b, Đòn bẩy cao

Margin luôn là con dao hai lưỡi trong đầu tư. Margin có thể giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng thì cũng có thể khiến tài khoản của họ bốc hơi nghiêm trọng nếu thị trường đi ngược với kỳ vọng và quản trị rủi ro lỏng lẻo.

4. Xác định giá đóng cửa VN30 phiên đáo hạn

Từ ngày 01/06/2022, phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng của VN30F1M thay đổi, chuyển từ “giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày đáo hạn” thành “giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối của phiên đáo hạn (gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa ATC), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục”.

Trường hợp không xảy ra biến động nào đáng kể về giá trong khoảng thời gian bắt đầu lấy dữ liệu để tính giá trung bình đóng cửa cho VN30 ngày đáo hạn, giá đáo hạn dự kiến cho kết quả như biểu đồ dưới đây:

Trường hợp xảy ra biến động đột ngột cuối phiên như ví dụ sau, phương pháp tính giá mới cho VN30 ngày đáo hạn sẽ hạn chế phần nào yếu tố bất ngờ so với phương pháp lấy giá đóng cửa trước kia:

Thành công trong việc xử lý triệt để hiện tượng tác động giá vào những giây cuối trong phiên đáo hạn, tuy nhiên cách tính mới vẫn hiện hữu những rủi ro chưa thể giải quyết được.

Ví dụ: nhà đầu tư bán ATC 100 triệu cổ phiếu trong danh sách VN30 vào lúc 2:30:00, gây ra sự sụt giảm lớn tương đương 40 điểm trên chỉ số VN30. Vào 2:44:55s, nhà đầu tư mua lại đúng 100 triệu cổ phiếu đã đặt bán với lệnh ATC. Sau đây là mô hình tính giá đáo hạn giả định:

Với cách giao dịch trên, bên mua/bán cổ phiếu không thay đổi vị thế thực sự trên thị trường cơ sở, nhưng đã thay đổi giá đóng của của hợp đồng tương lai VN30F1M. VN30F1M đóng cửa ở giá mới là: 1.260,37 trong khi VN30 đóng cửa tại 1.276,64, làm thay đổi hơn 16 điểm giá đóng cửa VN30F1M.

Như vậy, khả năng thao túng giá vẫn chưa hoàn toàn tránh được theo mô hình toán học trên. Nhà đầu tư vẫn cần rất cẩn trọng trong phiên đáo hạn.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 0 | Tổng điểm: 0]
wikidautu

Recent Posts

Chu kỳ luân chuyển vốn và các giai đoạn của nền kinh tế

Qua việc nghiên cứu sự vận động của các thị trường vốn ta phần nào…

11 tháng ago

Các sàn giao dịch chứng khoán tập trung ở Việt Nam và các chỉ số chứng khoán

Ở bài viết trước, Wikidautu đã giới thiệu về đặc điểm của các sàn giao…

12 tháng ago

Tổng hợp những kiến thức về cổ tức

Một phần lợi nhuận hàng năm sẽ được công ty tái đầu tư vào hoạt…

1 năm ago

Các loại lệnh và thời gian thanh toán trong giao dịch cổ phiếu

Ở bài viết trước, Wikidautu đã giới thiệu về các quy định trong giao dịch…

1 năm ago

Đặc điểm của các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam

Hiện nay, nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu qua hai sàn giao…

1 năm ago

Khuyến nghị đầu tư cổ phiếu PVB – Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam

Sau nhiều năm trì hoãn do vướng mắc tại dự án nhà máy điện Ô Môn III,…

2 năm ago