Những tình huống bạn không nên tham gia thị trường

222
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 4 | Tổng điểm: 5]

Nhiều trader giống như một cỗ máy, lúc nào cũng thích hoạt động, thích vẽ vời, thích ngắm nến trong nhiều giờ không biết chán. Họ luôn cố gắng lúc nào cũng có lệnh giao dịch đang mở bởi vì họ tin rằng đây là cách duy nhất để kiếm tiền, là cách tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư thành công không tư duy như vậy. Càng dày dạn kinh nghiệm người ta sẽ càng vào lệnh ít đi để kết quả ngày càng cải thiện hơn.

Để hạn chế những lệnh giao dịch ngớ ngẩn có thể bào mòn nghiêm trọng tài khoản của bạn, hãy đứng ngoài thị trường và làm công việc khác có ích hơn khi bạn rơi vào một trong các tình huống sau:

1. Khi bạn cảm thấy không tự tin

Hãy chỉ giao dịch khi bạn cảm thấy thoải mái, tự tin sau khi phân tích lệnh và lên kế hoạch. Nếu có bất cứ vấn đề gì đó còn khiến bạn lăn tăn, do dự, dù cả ngày hôm nay bạn chưa mở một lệnh nào, bạn vẫn nên đứng ngoài thị trường. Tự tin là trạng thái quan trọng và cần thiết để bạn có thể triển khai kế hoạch một cách suôn sẻ.

Nếu một tín hiệu giao dịch mà nó còn làm bạn phải lăn tăn thì có nghĩa là nó chưa tốt, hãy đứng ngoài thị trường!

2. Khi bạn đang hưng phấn sau một chuỗi lệnh thắng, hoặc cay cú sau một chuỗi lệnh thua

Đây là trạng thái cảm xúc tồi tệ nhất trong tất cả các loại cảm xúc trong giao dịch mà trader hay vướng phải. Nó có thể thổi bay tài khoản của bạn chỉ sau vài lệnh. Cảm xúc là kẻ thù số một của trader trong giao dịch, vì vậy, hãy giữ cái đầu lạnh trước khi vào lệnh. Nếu bạn thấy mình cần tận dụng chuỗi lệnh đang “vào cầu” hoặc cần lấy lại ngay số tiền vừa thua lỗ thì cách tốt nhất bạn nên làm là rời màn hình. Hầu hết các trader thất bại đều trải qua một trong hai loại cảm xúc này trước khi thực hiện một loạt lệnh tệ hại.

Rời màn hình đặt lệnh sau một chuỗi lệnh thắng giòn rã hay chuỗi lệnh thua tức tưởi quả thức là một bài test tâm lý vô cùng khó. Rất hiếm trader vượt qua được bài test này nếu như họ chưa có nhiều kinh nghiệm.

3. Khi Reward/Risk nhỏ

Có rất nhiều tín hiệu tốt cho bạn vào lệnh mà trong đó bạn có thể phải đánh đổi một mức rủi ro lớn hơn mức lợi nhuận có thể đạt được. Điều này thường xuyên xảy ra và đặt bạn vào tình huống khó xử nhất là khi bạn đang rất “khát” lệnh. Một lệnh không đảm bảo tiêu chí quản lý vốn tốt thì bạn không nên mặn mà, cơ hội phía trước còn vô số.

4. Khi bạn sợ mình bị mất cơ hội

Sợ mất cơ hội (FOMO) là hiệu ứng tâm lý mà tất cả các nhà đầu tư đều gặp phải kể cả những nhà đầu tư thành công, dày dặn kinh nghiệm. Với các trader non kinh nghiệm thì hiệu ứng tâm lý này diễn ra với tần suất dày đặc, liên tục. Thông thường điều này đưa họ đến nghịch cảnh là thường xuyên mua đỉnh bán đáy.

Thực tế, điều tồi tệ nhất không phải là bạn đã lỡ một cơ hội mà chính là việc bạn cố gắng đuổi theo giá để vào lệnh dù biết có thể đã muộn. Bạn không muốn mình “nhỡ tàu”. Tuy nhiên, lúc bạn “lên tàu” cũng là lúc các trader khôn ngoan nhẹ nhàng chốt lời.

Khi bạn đuổi theo giá, điểm vào của bạn sẽ không tốt, điểm dừng lỗ cũng như điểm chốt lời cũng tệ, giao dịch này chắc chắn không nằm trong kế hoạch tính toán trước của bạn.

5. Khi bạn “cảm thấy” giá đang “quá cao” hoặc “quá thấp”

Đừng đánh đổi trực giác lấy một cú enter. Giao dịch khôn ngoan phải dùng các phân tích khách quan, không phải bằng cảm nhận của giác quan thứ 6. Hầu hết các trader non kinh nghiệm đều cố gắng phán đoạn xu hướng bằng trực giác. Khi giá tăng mạnh theo xu hướng thì họ nghĩ giá sẽ không thể tăng mãi được nữa, nó sẽ sớm đảo chiều và họ sẽ sell liên tục.

Các trader sử dụng các indicator dao động để đưa ra các quyết định giao dịch dựa trên các điều kiện “quá mua” hoặc “quá bán” thường xuyên gặp phải các vấn đề này. Giá càng lên thì họ càng nhồi lệnh sell, càng xuống thì càng nhồi lệnh buy. Việc chống lại xu hướng bằng “cảm giác” hoặc bằng chỉ báo dao động sẽ khiến trader gặp rất nhiều rắc rối.

6. Khi lệnh giao dịch nằm ngoài kế hoạch của bạn

Các trader nghiệp dư, thậm chí kinh nghiệm vài năm vẫn thường không có bất cứ kế hoạch giao dịch nào. Đơn giản là vì tần suất vào lệnh của họ quá nhiều, trading quá ngắn. Các trader theo phương pháp swing trading và position trading thì thường có kế hoạch giao dịch trước khi thực thi lệnh.

Kế hoạch giao dịch là điều thiết yếu đối với các trader thành công.

7. Khi bạn không thể tập trung phân tích

Giao dịch chuyên nghiệp để đạt hiệu suất cao đòi hỏi sự tập trung cao độ. Nếu bạn không thể tập trung tinh thần vào biểu đồ của mình và nếu bạn vẫn đang suy nghĩ, phân tâm về các vấn đề khác bên ngoài diễn biến giá thì tốt nhất bạn nên đứng ngoài thị trường. Vừa giao dịch vừa làm việc khác hoặc lo nghĩ những vấn đề không liên quan luôn khiến bạn phải trả giá bởi những lệnh tồi tệ.

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, tinh thần không được thoải mái, hãy thoát khỏi phần mềm giao dịch.

8. Khi bạn cần tham khảo ý kiến người khác

Giao dịch là nghề của sự độc lập và cô đơn nếu bạn muốn thành công. Khi bạn cảm thấy không chắc chắn, cần sự cố vấn của người khác thì tốt nhất là không nên giao dịch. Chờ đợi một cơ hội mà bạn tự tin để vào lệnh thì mới có thể phát triển được khả năng của bản thân. Phải tự giải quyết vấn đề của bạn cho dù có sai lầm để rồi học hỏi từ những sai lầm của riêng bạn chứ dựa hơi vào người khác thì bạn không bao giờ tiến bộ được.

Tóm lại, nếu bạn tham gia thị trường trong một bối cảnh nhạy cảm, chứa nhiều rủi ro thì hậu quả của nó có thể rất tồi tệ. Trong giao dịch, đứng ngoài thị trường cũng là một chiến lược giao dịch đúng đắn để bảo vệ tài khoản của mình.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 4 | Tổng điểm: 5]