4 sai lầm phổ biến khi sử dụng phân tích kỹ thuật

429
Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 1 | Tổng điểm: 5]

Phân tích kỹ thuật (PTKT) đang là trường phái được áp dụng phổ biến nhất trên các thị trường tài chính trên thế giới. Ngày nay, PTKT được hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ bởi các công cụ phân tích hiên đại, tiện ích và có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, ở thời đại nào đi chăng nữa, các nhà phân tích vẫn vấp phải những sai lầm quen thuộc khi áp dụng PTKT để đưa ra các quyết định giao dịch của mình. PTKT bề ngoài có vẻ rất khoa học, uyên bác, hào ngoáng, tiếp cận thì đơn giản, nhưng để vận dụng đúng cách và mang lại hiệu quả cao thì quả thực không dễ dàng chút nào.

Dưới đây, wikidautu xin chia sẻ 4 sai lầm phổ biến nhất mà người sử dụng PTKT hay mắc phải.

1. Đi tìm những yếu tố cơ bản để ngụy biện cho sự biến động khó hiểu của giá, cho những phán đoán sai

Ngụy biện là lỗi phổ biến nhất đối với các kỹ thuật viên khi giao dịch bằng PTKT. Khi không thể lý giải được nguyên nhân của sự dịch chuyển giá ngoài dự đoán thì họ tìm tới các yếu tố cơ bản hoặc là một tin tức nào đó để đổ lỗi thay vì chấp nhận mình đã sai. Theo nguyên tắc, PTKT không phải là việc đi tìm lý do để trả lời câu hỏi “tại sao?”. Giá trong PTKT đã phản ánh tất cả các yếu tố nội tại, tổng hòa tâm lý của tất cả các nhà giao dịch. Việc đi tìm lý do ngoài phạm trù PTKT để đổ lỗi, giải thích cho một quyết định sai là rất thừa thải, mất thời gian và gây ra sự căng thẳng tâm lý. Hãy để PTKT chỉ là PTKT, đừng làm phức tạp vấn đề.

2. Lạm dụng chỉ báo kỹ thuật

Chỉ báo kỹ thuật (indicator) chỉ là một phần nhỏ trong PTKT. PTKT còn rất nhiều công cụ mạnh khác như Price Action, Volume Spread Analysis… nhưng các nhà giao dịch mới thì rất chuộng indicator. Lý do đơn giản lỹ giải cho việc này là bởi indicator tiếp cận rất dễ (được tích hợp sẵn trên nền tảng giao dịch), dễ sử dụng. Tuy nhiên, chia buồn với các nhà giao dịch mới rằng hầu hết các indicator là vô dụng. Một biểu đồ với nhằng nhịt các indicator sẽ che khuất đi hình ảnh quan trọng và chân thực nhất trên biểu đồ: hành động của giá.

Rất nhiều người mới thường mang suy nghĩ cứ phân tích với càng nhiều indicator thì càng chính xác, càng có nhiều cơ hội để giao dịch. Cái gì lạm dụng quá đều phản tác dụng, việc bạn thấu hiểu cặn kẽ về một chỉ báo sẽ giúp bạn phát huy hết tiềm năng của nó. Một số các chỉ báo đơn giản mà các bạn có thể áp dụng như RSI, Boligerband, Ichimoku, Fibonacci.

Một lời khuyên chân thành với các nhà giao dịch mới khi bước chân vào PTKT thì việc đầu tiên là các bạn nên tiếp cận tới các mô hình giá. Bằng cách này, bạn sẽ có cái nhìn khách quan và sát thực tế với xu hướng giá. Sau khi đã quen với sự vận động của các mô hình thì bạn có thể thêm vào các chỉ báo để đưa ra các phân tích có độ chính xác, tin cậy cao hơn. Một chỉ báo dù rất đáng tin cậy, nhưng nếu đứng một mình không đi kèm các đường hỗ trợ, kháng cự hoặc volume thì nó cũng kém duyên đi đáng kể.

3. Sử dụng nhiều công cụ phân tích phức tạp

Nhiều nhà giao dịch mới tin rằng các công cụ phức tạp sẽ khám phá ra những bí ẩn trong quy luật của giá mà những người sử dụng các chỉ báo đơn giản không tìm ra được. Sử dụng một công cụ phức tạp nghe có vẻ luôn hoành tráng, hào nhoáng hơn rất nhiều những đường MA đơn điệu. Tuy nhiên, trên thực tế, các công cụ, chỉ báo càng ít người sử dụng thì độ chính xác càng thấp. Các công cụ phức tạp có thể kể đến như các mô hình Gann, mô hình Harmonic, công cụ mô hình sóng Elliot, mô hình Pitchfork…

 

Mô hình Harmonic

Mô hình Gann Fans

Một lời khuyên cho các nhà PTKT là hãy giữ mọi thứ thật đơn giản và tập trung vào hành động của giá. Màn hình biểu đồ không phải là nơi thích hợp để bạn phô diễn các công cụ phân tích trên đó.

4. Không sử dụng các khung thời gian lớn

PTKT có thể áp dụng cho mọi khung thời gian, tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch nhầm tưởng rằng nó chỉ phù hợp với những diễn biến ngắn. Ngược lại, ở các khung thời gian nhỏ, nhà giao dịch sẽ không kịp đưa ra các kế hoạch trước những biến động nhanh của giá. Giá thường có những giao động nhiễu ở khung thời gian nhỏ, điều khiến PTKT cũng sẽ giảm độ chính xác.

Ngoài ra, khi không sử dụng PTKT ở các khung thời gian lớn, nhà phân tích sẽ không có được cái nhìn tổng quan của bức tranh tổng thế như: xu hướng giá; các vùng kháng cự, hỗ trợ mạnh. Việc chỉ sử dụng PTKT ở các khung thời gian nhỏ sẽ khiến nhà phân tích gặp hai rắc rồi lớn bao gồm:

– Xác định quá nhiều các mức kháng cự, hỗ trợ gần nhau

– Tín hiệu giao dịch xuất hiện liên tục khiến tần suất vào lệnh lớn, rủi ro tăng lên

Việc sử dụng các khung thời gian thấp chẳng khác nào bạn đang để tầm nhìn của mình dưới cái hầm chui cả.

Để có cái nhìn tổng quát, bạn cần quan sát ở các khung thời gian lớn hơn như ngày hoặc tuần. Bức tranh tổng quát này sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin quý giá: giá di chuyển như thế nào trong lịch sử và xu hướng sắp tới sẽ đi về đâu. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn nhìn vào xu hướng dài hạn để dự đoán xu hướng, các đường hỗ trợ/kháng cự, các mốc giá quan trọng ở khung ngắn hạn. Các mô hình giá ở các khung thời gian càng lớn sẽ càng bớt nhiễu và độ tin cậy càng cao hơn các khung bé.

Tiếc thay, những trader chập chững vào nghề thường có xu hướng phân tích các biểu đồ ở khung thời gian thấp hòng tìm kiếm nhiều cơ hội vào lệnh hơn.

Đánh giá của bạn
[Số đánh giá: 1 | Tổng điểm: 5]